Sự việc trên xảy ra tại một trường tiểu học ở TPHCM. Một buổi chiều, khi tắm rửa cho cô con gái đang học lớp 2, người mẹ phát hiện bàn tay phải của con sưng tấy, nhiều vết hằn, có chỗ còn tứa máu. Chị tra hỏi rất lâu cháu mới chịu kể, trong giờ học vẽ, cháu quay xuống mượn bút tô màu của bạn, liền bị cô giáo chủ nhiệm yêu cầu đặt tay phải lên bàn rồi dùng thước gỗ đánh liên tục vào tay vì tội… dám ngọ ngậy và nói chuyện riêng trong lớp.
Người mẹ bàng hoàng. Kiểm chứng lời con, chị gọi điện hỏi người bạn có con học cùng con mình. Người bạn khẳng định cũng vừa được nghe con kể chuyện ở lớp: “Cô giáo hôm nay điên tiết, đánh bạn Thảo nhà cô Tuyết phù tay”.
Nhìn con lo sợ, tinh thần bất ổn không chịu đi học, sáng hôm sau người mẹ quyết định dẫn con lên phòng hiệu trưởng nhờ giúp đỡ. Nghe kể lại sự việc, cô hiệu trưởng có cách xử lý hết sức bất ngờ khi cho gọi ngay giáo viên chủ nghiệm cháu Thảo xuống để “ba mặt một lời” khi hỏi giáo viên: “Em có đánh học sinh đến sưng tay như vậy không?”.
Cô chủ nhiệm không phân bua mà quay sang nhìn vào cháu Thảo nghiêm mặt và hỏi: “Bây giờ có cô hiệu trưởng, có mẹ và cả cô ở đây, con trả lời xem “Cô có đánh con không?”.
Mặt cháu Thảo tái mét, co rúm người nấp sau lưng mẹ gần như khóc rồi lắc đầu trả lời: “Cô không đánh con” rất tội nghiệp.
Cô chủ nhiệm còn mở lời, nếu phụ huynh chưa tin sẽ lớp để cô hỏi tất cả học sinh xem các em trả lời thế nào nhưng người mẹ từ chối, xin phép đưa con về. Khi ra về, chị còn được giáo viên chủ nhiệm dặn dò: “Phụ huynh lưu ý tính nói dối của cháu”.
Cách xử lý tưởng như rất “công bằng” của cô hiệu trưởng lại vô cùng phản giáo dục, trút hết lỗi sang cô học trò nhỏ. Em không chỉ mang tiếng nói dối, đặt điều mà đáng buồn hơn em lại phải chứng kiến người lớn - người đó lại là cô giáo của mình - không dám thừa nhận việc mình đã làm mà còn đổ lỗi sang cho học sinh. Hơn nữa, cách hành xử này sẽ gieo vào các em tiềm thức sợ nói lên sự thật.
Cũng may, cuối cùng người mẹ quyết định chuyển trường cho con.
TẠP CHÍ GIA ĐÌNH -
Hoài Nam
theo dân trí