Mục tiêu trêu đùa của bạn
Ngay từ khi còn ở tuổi mẫu giáo lớn, tiểu học, các bé cũng đã có những cảm nhận khá rõ rệt về ngoại hình. Bé nào xinh thì đã biết lợi thế của mình, bé nào không xinh cũng đã một phần nhận ra những thiệt thòi ấy. Và sẽ chẳng ngạc nhiên gì khi một ngày nọ, bạn bắt gặp cô con gái 6 tuổi của bạn đi học về chạy vào giường khóc như mưa vì bị bạn trêu chọc, vì bị gọi là “hột mít” hay “con mập” hoặc vì cái miệng không được tròn xinh như bạn khác. Hay có khi con bạn khóc đến khản cả giọng vì bị bạn cùng lớp chọc ghẹo đôi chân đi hơi tập tễnh của bé. Hay những lúc bé bị bạn cười vào mũi, bị tẩy chay khỏi nhóm vì cái tật nói lắp và giọng không thể ngọn hơn đối với một cậu bé 6 tuổi.
Rồi khi bắt đầu bước vào tuổi ẩm ương sớm nắng chiều mưa của lứa tuổi teen thì các em lại càng để ý quan tâm tới vẻ bề ngoài của mình hơn. Nhất là khi con đã bắt đầu có cảm tình khác phái. Với những em có ngoại hình xinh đẹp, khéo ăn khéo nói hay học hành thuộc top đỉnh thì không nói làm gì. Nhưng có rất nhiều em lại thu mình chỉ vì những mặc cảm, tự ti về bên ngoài không xinh đẹp bằng chúng bạn. Tại sao mình không có đôi chân dài như các bạn? Tại sao da mình đen thế, nhiều mụn thế? Tại sao mình không có dáng người mảnh mai mà lại béo thế này?... Những câu hỏi không có lời giải khiến các em dần bế tắc, và bớt đi vẻ hồn nhiên, trở nên trầm tư hơn, mất tự tin với chính mình, sống thu mình lại trong thế giới học đường đầy tiếng cười ấy.
Thay vì tự tin tham gia các hoạt động tập thể, các em sống khép kín, thu mình, bởi đi đâu cũng thấy mình thua bạn kém bè. Thay vì diện những bộ cánh năng động, đi đôi giày thể thao chạy nhảy chơi đùa, thì các em khoác vào người những bộ cánh không phù hợp mà các em nghĩ là sẽ che đi khuyết điểm cơ thể mình, mang theo đôi giày cao gót và mang vào mình vẻ gượng gạo với chính mình. Thay vì sẵn sàng giơ tay xung phong lên bảng làm bài tập, thì em lại nghĩ ngay đến cảnh mình lùn tịt trước cái bảng cao, các bạn ở dưới lớp tha hồ mà chiêm ngưỡng đôi chân ngắn và mũm mĩm, em lại rùng mình và rụt tay lại… Những tình huống đó đều rất không tốt đối với sự phát triển về tâm lý, tính cách cũng như tri thức của các em.
Trong mắt cha mẹ con luôn là đẹp nhất Những em bé đi hoc sẽ không muốn bị quá khác biệt so với đám đông và không đứa bé nào muốn bị tẩy chay chỉ vì mình quá lùn, quá cao hay quá béo. Thế nhưng, vì sự hồn nhiên của lứa tuổi, những trẻ vẫn thường đem hình thể của bạn bè ra trêu đùa mà không hề quan tâm xem mục tiêu của mình bị tổn thương ra sao. Nếu chẳng may có bạn gặp tình huống như thế thì phải bình tĩnh hỏi han rồi phải giải thích cho con hiểu con không xấu, không khác người. Hãy giúp con mình thoải mái về bản thân bằng cách cho chúng thấy là bạn luôn chấp nhận bé cho dù bé thế nào. Điều này giúp loại bỏ những bất an cho bé cả về sau này khi trưởng thành.
Lời khuyênHãy cẩn trọng khi lựa chọn lời nói. Khi nhận xét về ngoại hình của trẻ, cho dù con trẻ có những điểm yếu, bạn cũng đừng nên tập trung chỉ trích những điểm yếu này mà hãy tìm cách đề cao một thế mạnh nào đó của trẻ. Thay vì nói: "Bé con múp míp của mẹ”, thì nói rằng: "Cô bé khỏe mạnh đáng yêu của mẹ". Từ từ hướng dẫn trẻ ăn uống và tập luyện để cân bằng trọng lượng cơ thể mà không làm chúng cảm thấy mình lập dị.
Dạy con hãy luôn là chính mình: Con bạn than phiền vì không có đôi chân như chúng bạn, không có thân hình mảnh mai, dáng chuẩn. Và vì thế mà em không bao giờ giám mặc những chiếc váy vô cùng dễ thương dành cho lứa tuổi hồng. Hãy nói với con, thân hình mũm mĩm chẳng có gì là không đẹp. Vẻ đẹp của con người toát ra từ tâm hồn chứ không phải từ hình thức. Việc có một đôi chân dài sẽ là lợi thế rất nhiều để con bước ra và gặp gỡ với mọi người. Nhưng nếu con không có một đôi chân như mong muốn cũng không sao. Đơn giản bởi con vẫn có thể bước vào lòng mỗi người bằng lối nói chuyện tự tin, bằng kiến thức hiểu biết của mình, bằng sự chân thành. Hãy luôn sống là chính con.
Cha mẹ cần giúp trẻ khám phá ra những ưu điểm và yếu điểm của mình, từ đó dạy trẻ biết cách phát huy những ưu điểm và chấp nhận những yếu điểm. Khi trẻ đã cố gắng mà không thể làm được thì cha mẹ nên hài lòng với những điều trẻ cố gắng. Bài học về cách biết chấp nhận con người thật của chính mình là cách tốt nhất để đem lại sự tự tin cho trẻ.
Tìm cách khắc phục tình trạng đó. Hãy nói với con, việc chọc ghẹo các bạn như thế là không tốt, không nên làm, các bạn làm như thế không phải là những đứa trẻ đáng yêu. Và nếu chính bạn cũng từng rơi vào những tình cảnh như vậy, hãy cho con biết mình đã đối phó như thế nào. Điều này sẽ giúp trẻ hiểu rằng mình không đơn độc trong chuyện này.
TẠP CHÍ GIA ĐÌNH -