Đàn ông thì vừa cười cợt vừa xấu hổ, có người giựt status (trạng thái) là “Loại đàn ông gì vậy?” để bày tỏ sự bực bội của mình, nhận được rất nhiều like và “còm” (comment) đồng tình… Đặc biệt là các quý bà, quý cô đua nhau chia sẻ bài viết, như là cách để ủng hộ một suy nghĩ hợp lòng người. Muôn đời, phụ nữ tôn thờ những kẻ nam nhi, dù nghèo nhưng trong giao đãi với người khác giới phải lịch lãm, rộng rãi, “sao cho coi được”. Có người bảo đấy là sĩ diện nhưng đàn bà vẫn thích kiểu "sĩ diện" ấy của đàn ông.
Thế nhưng, cũng có người đàn ông khác vô “phản biện” rằng, đàn bà thật… vô lý, lúc nào cũng kêu ca chuyện bình đẳng giới, mà sao những vấn đề như ăn uống, tình dục, cứ bắt đàn ông phải… chi trả. Vin vào đâu để cho rằng, nam giới đương nhiên phải móc ví ra “bao”, phải tốn “tình phí” bằng cách này hay cách khác khi lên giường với chị em kia chứ?!
Nói nào ngay, đa phần chị em vẫn quen với suy nghĩ phổ biến là, anh mời tôi, thì đương nhiên anh phải trả tiền. Anh muốn cùng tôi đi ăn cơm, uống nước, anh có “thực lực” thì hãy rủ, chứ xong rồi ngồi ngậm cà na, là coi không được đâu à! Không những lần sau tôi… cạch mặt anh ra, mà tiếng dữ đồn xa, có khi anh còn vang danh giang hồ về cái việc cố tình lãng tránh bổn phận của mình. Còn như anh cưa cẩm, gạ gẫm, tán tỉnh, đương nhiên anh phải tốn quà, tốn bánh, tốn hoa tốn trái… lấy lòng nhau rồi. Chuyện ấy là đương nhiên. Bởi tình dục, chỉ có đàn ông mới sướng, còn phụ nữ, rõ ràng luôn bị mất mát, chịu… thiệt!
Hiếm hoi lắm, mới có cô gái chủ động nói được một câu “dễ nghe” rằng, lần sau phải để em mời đấy nhé. Mở ngoặc, ai cũng hiểu ý tứ trong tình huống ấy: Còn đây là lần đầu, đương nhiên anh là đàn ông, anh “vờ” đi thì tốt hơn đừng nên vác mặt ra đường! Đóng ngoặc. Vậy thôi.
Chỉ đơn giản vậy thôi mà khối anh đàn ông cảm động, kết luận ngay rằng, cô ấy chơi được, biết điều, hẳn tương lai sẽ không phải là mẫu phụ nữ dồn hết mọi gánh nặng lên vai đàn ông. Thời buổi thực dụng này, người biết chia sẻ và tự trọng như thế khó kiếm lắm, chứ không đùa!
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Nghĩ gần hơn xem, trong nhà, ai giữ tiền? Phần lớn là phụ nữ. Gia đình nào mà đàn ông “cầm quyền”, ngay lập tức anh ta trở thành… cá biệt, sẽ được thiên hạ để mắt tới, dòm ngó, săm soi từng mi li mét. Bạn là phụ nữ, cũng vất vả đi làm ngoài xã hội, thử tưởng tượng, sau khi kết hôn, bạn phải giao nộp phần lớn thu nhập của mình cho “hắn” muốn chi xài gì thì phải xin, phải mượn, phải năn nỉ, thực lòng bạn cảm thấy sao?
Lập gia đình, đàn ông vác trên mình trọng trách lo cho cả nhà. Lỡ “có gì” sơ suất, thiếu thốn là các bà vợ đong đỏng lên ngay. Sẵn trớn, các bà kêu gào về sự bất công trong việc nhà, con cái, mà quên mất, những sự yếu đuối, dựa dẫm, sợ độ cao sợ côn trùng sợ bóng tối… mình đã giao phó hết cho chồng.
Bởi thế, cuộc đời không thể nào hoàn toàn có sự công bằng tuyệt đối. Nên đàn bà cứ luôn thấy mình thiệt thòi, chỉ muốn đấu tranh đòi quyền bình đẳng…
theo phunuonline