VỊ CỨU TINH CỦA HẠNH PHÚC
Sáu năm trôi qua, nhắc lại bi kịch cũ, anh Lê Phong (một cán bộ ngành thuế, ngụ Q.7, TP.HCM) vẫn còn ngỡ là chiêm bao. Bí quyết “vượt ải” của anh đơn giản chỉ là trút cạn sự thật với vợ. “Sự hiền hòa, bao dung của vợ đã cho tôi sức mạnh để thú thật lỗi lầm. Không thể hình dung bây giờ tôi ra sao nếu ngày ấy vợ tôi không đủ tình yêu và lòng tin, không khéo léo dàn xếp sự việc, nhờ đồng nghiệp hỗ trợ tôi; nếu vợ bỏ mặc tôi với món nợ lút đầu. Phái yếu coi vậy mà…” - anh Phong trầm ngâm.
Sau lần quá trớn với một cô tiếp thị bia trẻ đẹp, anh Phong mắc đọa. Cô ta đã dùng đoạn phim bí mật quay cảnh nóng của hai người để khống chế vòi tiền anh. Yêu sách của cô ta luôn kèm theo lời dọa tung ảnh lên mạng để làm anh thân bại danh liệt, mẹ anh vốn bệnh tim sẽ uất mà chết, vợ con anh sẽ xấu hổ, nhục nhã mà tự tử… Cô ta đòi bao nhiêu tiền, anh Phong cũng đáp ứng bằng cách vay nóng, kể cả “mượn tạm” công quỹ của cơ quan. Tâm trí bấn loạn, mất tập trung, anh làm đâu sai đó, bị cấp trên khiển trách rồi kỷ luật.
Năm tháng kể từ ngày lỡ dại, tinh thần anh Phong xuống cấp trầm trọng, thần kinh căng thẳng, trầm cảm, mất ngủ. Vợ anh từ chỗ ghen hờn, kiểm soát vì nhận thấy ở chồng có những dấu hiệu gian dối đã chuyển sang quan tâm, chăm sóc, an ủi, tìm mọi cách hâm nóng tình cảm và gợi chuyện để anh tâm sự. Nhưng, mỗi lần định nói, nỗi sợ hãi ập đến khiến anh vã mồ hôi. Không bỏ cuộc, chị viết thư cho anh: “Tình yêu bền chặt sẽ giúp đôi ta vượt qua tất cả, dù vấn đề anh đang đối mặt là gì đi nữa”, kèm những tấm ảnh cũ ghi lại khoảnh khắc ngọt ngào, lãng mạn thuở mới quen. Một đêm mưa, chị gửi con, bỏ hết công việc nhà chạy đến với anh sau khi nhận tin nhắn: “Anh đang ở cầu Sài Gòn, nơi lần đầu mình gặp nhau. Chưa bao giờ anh cần gặp em như lúc này”. Anh thẫn thờ, lặng im hồi lâu, ứa nước mắt nhìn chị rồi kể…
“Chuyện tôi làm tôi biết. Bà đừng xía vô! Bà là phụ nữ, suốt ngày ru rú trong nhà biết gì mà ý kiến, ý cò. Đợi sáu tháng nữa, tôi sẽ thành tỷ phú cho coi!” - anh Nguyễn Văn Bình (ngụ Q.4, TP.HCM) nói như thế mỗi lần vợ ngăn cản việc anh lừa lọc bán hàng cho người thân và đổ tiền mua hóa mỹ phẩm của công ty bán hàng đa cấp. Vợ anh bụng mang dạ chửa vẫn vài lần ăn tát của chồng vì “tội nói nhiều”. Phần thai yếu, phần buồn chán vì can ngăn chồng mãi không được, chị về nhà mẹ ruột tá túc, chờ ngày sinh nở. Dù vậy, chị vẫn hằng ngày nhắn tin khuyên anh tìm việc khác làm để kiếm tiền nuôi con, tránh xa công ty làm ăn bất chính.
Đâu cần đến sáu tháng, chỉ ba tháng sau, anh Bình đã tan vỡ giấc mộng đổi đời khi công ty đa cấp kia đột ngột đóng cửa. Để kiếm tiền nhanh, thanh toán nợ hơn một trăm triệu đồng do mua hàng để tồn trữ, anh lao vào đánh bạc, cá độ - “nghề” cũ mà anh đã thề đoạn tuyệt từ ngày cưới vợ. Đã không gỡ gạc được, nợ mới lại leo thang lên con số 200 triệu đồng. Bỏ dở công việc giữ xe mà mình từng nguyền rủa là “nghề mạt hạng”, anh suốt ngày ngập trong rượu, tỉnh dậy lại tìm người mượn tiền.
May nhờ có người bạn chủ động giúp đỡ, vừa cho mượn tiền trả nợ, vừa động viên, vực dậy tinh thần, vừa chỉ cho anh nghề hàn. Ngày lãnh tháng lương đầu tiên, anh Bình tìm đến anh bạn để tạ ơn: “Cảm ơn anh, anh chỉ là bạn mà hết lòng với tôi, còn vợ tôi thấy khó lại bỏ đi”. Đến lúc này, người bạn chí cốt kia mới bật lời: “Thực ra, chị nhà đã đến năn nỉ tôi giúp anh. Tiền tôi cho anh mượn trả nợ là tiền mà chị vay ngân hàng, thế chấp sổ hồng nhà mẹ. Chị dặn tôi đừng nói, sợ anh biết sẽ tự ái hoặc ỷ lại, tiếp tục làm quấy”. “Đừng quên: người tốt nhất có thể cứu giúp mình chính là vợ mình”, lời bạn khiến anh Bình cay cay sống mũi.
1 + 1 = TẤT CẢ
Nhiều người đàn ông đã xem thường giá trị của phép cộng, của sự hợp sức trong gia đình để một ngày không thể tránh khỏi cảnh trượt chân, “đo ván” trên đường đời. Cú trượt chân ấy có thể do kinh doanh thua lỗ, sai phạm, bế tắc trong công việc, vướng vào “cái ngu” - lãnh nợ hay “đáng tội” hơn là những lỗi lầm do đam mê hay yếu lòng gây ra. Không ít trường hợp đến khi sự việc đổ bể, khó thể cứu vãn, người vợ mới “té ngửa”, trong khi “cả thế giới” đã tỏ tường từ lâu.
Theo tiến sĩ Võ Văn Nam (giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chuyên viên tham vấn NVH Phụ Nữ TP.HCM), gia đình chỉ thành tổ ấm khi có sự hòa hợp âm dương, vợ chồng có nhau, cần nhau, bổ túc cho nhau. Vợ chồng phải kết hợp bình đẳng thì mới phát triển bền vững được. Để bổ sung, nâng đỡ nhau thì điều kiện đầu tiên là vợ chồng phải thấu hiểu và thấu cảm. Muốn vậy, cả hai phải cùng mở lòng để bộc bạch, giãi bày mới mong người bạn đời hiểu thấu mà kịp thời nâng đỡ, tiếp sức.
Thế nhưng, oái oăm thay, về mặt tâm lý, từ sâu thẳm tâm hồn mình, người chồng thường bị cái sĩ-diện-chết-người của đàn ông ngăn cản, khiến không dễ dàng mở miệng thổ lộ cùng vợ rằng mình - cây tùng cây bách cho vợ con nương tựa lại đang gặp khó khăn, thậm chí, lâm vào ngõ cụt. Để tháo gỡ rào cản tâm lý này, người chồng phải vượt qua tự ái, bệnh sĩ mà thổ lộ cùng bạn đời để cùng nhau vượt qua. Nếu cho rằng phái mạnh mà phải nhờ sự trợ giúp của phái yếu là nhu nhược, hèn kém thì khó tránh khỏi một ngày, người chồng cô độc chết trong sự mạnh mẽ hão huyền ấy. Để mình lún sâu vào bãi lầy, sẽ lâm vào cảnh nợ nần, tù tội, sang chấn tâm lý, thậm chí bị bệnh tâm thần, tự sát. Hậu quả, tất nhiên không chỉ riêng mình gánh chịu. Vì thế, một mặt nào đấy, sự chìa tay nhờ người khác kéo lên khỏi vực thẳm cũng là cái dũng của người đàn ông.
Phụ nữ luôn có trực giác, linh cảm nhạy bén, lại bình tĩnh hơn nam giới nên sẽ bổ sung đáng kể cho chồng trong việc tìm hướng ra cho tình huống bế tắc. Quý ông đừng ngại vợ bận bịu công việc, không có thời gian để lắng nghe và góp ý cho mình. Nhưng dù tất bật đến mấy, người vợ vẫn muốn lắng nghe chồng vì được nghe là nhu cầu thường trực ở phái nữ và đó chính là lúc người vợ cảm nhận sự yêu thương, tin cậy.
Về phía người vợ, khi nhận thấy ở chồng xuất hiện một số biểu hiện bất ổn, phải chủ động đặt vấn đề và "bật đèn xanh" để chồng chịu mở miệng; tạo điều kiện để chồng dễ nói và có thể nói được những chuyện sâu kín nhất. Với tâm hồn nhạy cảm trời phú, người vợ phải lắng lòng để nghe và nghe cho được cả những gì chồng không thể nói.
Người đàn ông vững vàng nhất cũng có khi vấp ngã, cũng có khi cần điểm tựa. Điểm tựa vô điều kiện và vững vàng nhất chính là “nửa kia”. Do vậy, người vợ cần kịp thời chia sẻ, nâng đỡ để giúp chồng “thoát hiểm”. Làm được như vậy, chẳng những vợ chồng sẽ vững tay chèo chống con thuyền hôn nhân vượt giông bão, mà còn hâm nóng, giữ lửa yêu thương, thêm sâu nặng nghĩa tào khang.
theo phunuonline