Thuở học trò chúng tôi ngày trước không đứa nào không mê tít món mít non trộn. Thời ấy, đơn giản chỉ là mít trộn non với nước mắm tỏi ớt cũng làm bọn học sinh khô nước bọt vì thèm thuồng…
Bây giờ, mít non trộn cũng vẫn là món khoái khẩu, nhưng cầu kỳ và nhiều gia vị hơn, nguyên liệu kết hợp cũng phong phú hơn. Có khi đó là mít non trộn với tôm, có lúc trộn với da heo, hay với thịt ba chỉ…để đổi khẩu vị.
Nhưng mít non trộn nhộng đảm bảo là món ăn ngon mê ly nhất, bởi sự kết hợp giữa mít non và nhộng- những nguyên vật liệu đậm chất quê, khiến ai thưởng thức cũng cảm được cái chất dân dã ngon miệng của món ăn có hương vị tinh tế này.
Ở Quảng Nam và Đà Nẵng, mít non và nhộng là hai nguyên liệu vô cùng dễ kiếm.
Những chú nhộng tươi ngon, căng mẩy làm cho món ăn thêm phần quyến rũ
Mít non là loại mít mà gai còn chưa nhú hết khỏi lớp vỏ xù xì, thường được người quê hái xuống để bớt trĩu cây. Sau vì tiếc, người trồng đã nghĩ ra cách chế biến, và bất ngờ với hương vị thơm ngon, dai bùi của món ăn. Dần dà, mít non trở thành món ăn được ưa thích ở cả vùng quê, rồi lan lên thành thị.
Đối với nhộng tằm, đây là loại thực phẩm đặc biệt bổ dưỡng. Nghề trồng dâu nuôi tằm khá nổi tiếng ở vùng đất Quảng Nam, và nhộng là một trong những “sản phẩm” của những làng nghề này. Thoạt trông sẽ rất nhiều người cảm thấy sợ vì nhộng giống sâu, nhưng nếu đã một lần mạnh dạn thưởng thức, rất dễ bị ghiền ngay lập tức. Vị bùi, béo và dai của những con nhộng tươi rói sẽ đánh thức vị giác của mọi người.
Đơn giản và dễ làm mà không hề cầu kỳ như mọi người hình dung
Chưa kể, nhộng với cách chế biến khoa học, có khả năng chữa trị suy nhược cơ thể, phục hồi sức khỏe, có thể dùng làm thuốc bổ thần kinh, làm thuốc chữa các bệnh viêm gan, xơ gan, loét dạ dày, tá tràng…
Cách chế biến món mít non trộn nhộng tương đối dễ. Mít non hái vào, để dưới vòi nước cho mủ mít chảy ra thật lâu, vừa giải quyết được khâu mủ, vừa giúp cho mít non vẫn giữ được độ tươi ngon.
Luộc mít cẩn thận, phải canh cho mít vừa chín tới. Nếu mít non luộc quá chín sẽ bị bã, mất độ dai ngon; nhưng nếu sống quá sẽ dễ bị sần, ăn mất đi vị ngon bùi của mít.
Mít luộc xong rửa sơ bằng nước sôi để nguội để không bị thâm đen nếu để lâu. Sau đó mít non thái nhỏ, dài.
Trộn mít với chút tiêu, chút xíu muối, bột ngọt, đường, tỏi giã nhuyễn, dầu phụng và rau răm xắt nhỏ. Nếu muốn có độ dai của món mít trộn thì có thể thêm một ít da heo (bì).
Còn nhộng thì cần nhớ rửa sạch kỹ, để ráo, sau đó phi dầu hành tỏi thơm lên, thả nhộng vào xào kèm một chút gia vị cho đậm đà. Trong lúc đó, các chị nhờ ông xã pha một chén mắm ớt, tỏi, chanh, đường để sẵn.
Khi ăn cho một ít mít non trộn lên dĩa, bỏ nhộng lên trên, tưới một ít mắm pha lên dĩa nhộng, cho một chút đậu phụng rang giã tơi, và đừng quên một chút hành phi. Kế đó, trộn tất cả hỗn hợp lên, dùng bánh tráng xúc ăn.
Sự dai dẻo của mít non, cộng hưởng với những chú nhộng béo ngậy, vị thơm bùi của đậu phụng tạo nên món ăn ngon mê ly.