Trong những lần điền dã sưu khảo và nghiên cứu văn hoá Nam bộ, một lần nhà văn Sơn Nam được thưởng thức món cá bống trứng kho tiêu, ông vỗ đùi đánh đét, bảo ngon quá.
Rồi ông viết: Con cá nhỏ như ngón tay con nít, nhưng có một sức mạnh lạ kỳ là mang trong mình nó bộ trứng gần bằng cơ thể nó.
Cái bộ trứng con cá bống mà cố nhà văn Sơn Nam nhắc ấy, chỉ như trái ớt hiểm chín. Ở châu thổ sông Cửu Long, độ chừng cuối tháng 6 đầu tháng 7 âm lịch là con nước đỏ đổ về, người dân nơi đây còn gọi là con nước son. Chính con nước son này mới mang cá bống trứng về. Chúng sống bám vào rễ những đám lục bình trôi lững lờ trên mặt sông. Mùa này, đi đến đâu trên vùng châu thổ cũng thấy mấy đứa nhỏ dùng rổ, vợt hớt cá bống trứng. Người ta vớt cả ngày lẫn đêm, hễ khi nào rảnh.
Điểm son của cá bống kho tiêu chính là bọc trứng, trứng nhỏ, cứng, giòn, thơm mùi phù sa châu thổ
Có lẽ cá bống trứng chỉ ngon nhất là kho tiêu và với tôi thì chỉ cần kho tiêu thôi là đủ, là có thể làm nên cái hồn, cái cốt ẩm thực miệt vườn, đủ để ai dù chỉ một lần thưởng thức là nhớ mãi. Cá bống làm sạch, để hong chừng mươi phút cho ráo, sau đó cho nước mắm ngon vào ngâm chừng dăm phút. Cho thêm ít bột ngọt, tí đường, nước màu… rồi bắc lên chảo kho. Kho chừng mười phút cá chín, lúc đó cho vào chảo kho ít tiêu, ít tóp mỡ để thơm hơn. Món này để thêm ngon phải có tô canh rau ngót cho tròn trịa mặn lạt. Thân con cá bống khi cho vào miệng vừa mềm lại vừa cứng, lạ vô cùng. Và điểm son của món này chính là bọc trứng, trứng nhỏ, cứng, giòn, thơm mùi phù sa châu thổ.
Quây quần bên mâm cơm gia đình với tô canh rau ngót, cá bống trứng kho và cơm trắng bốc khói, đạm bạc mà đậm đà. Rồi khi con nước đỏ đi qua, lòng lại nhớ thương con cá bống trứng, đặc ân mà thiên nhiên ban riêng cho miền châu thổ này.