Trong quá trình phát triển từ thành phôi đã có một số chất bị chuyển hóa, tiêu hao để biến đổi thành nhiều chất cần thiết giúp cho quá trình tăng trưởng của phôi mà tạo nên giá trị bổ dưỡng của loại trứng lộn dù là trứng vịt hay trứng cút.
Trong trứng lộn có chứa vitamin A (retino) và tiền vitamin A (beta caroten) khá cao. Bởi vậy, khi ăn vào cần có đủ lượng dầu mỡ để hòa tan thì cơ thể mới hấp thu được trọn vẹn. Do đó có thể ăn kèm với bánh lạc vừng hoặc uống thêm sau khi ăn một chút dầu ăn lạc hay vừng. Chim cút còn được mệnh danh là sâm động vật nên cút lộn cũng vô cùng bổ dưỡng.
Tuy là loại thức ăn bổ dưỡng nhưng không được lạm dụng vì mỗi khi ăn quá nhiều, cơ thể không dung nạp kịp, bị đào thải ra ngoài, thậm chí sinh tiêu chảy; mặt khác không phải ai cũng dùng được. Vì vậy trẻ em dưới 5 tuổi không nên ăn do sự chuyển hóa các chất của hệ thống tiêu hóa của trẻ chưa kiện toàn dễ gây sình bụng, tiêu chảy…
Đối với trẻ từ 5 – 12 tuổi, lúc đầu chỉ nên ăn nửa quả trứng vịt lộn hay 1 -2 quả trứng cút lộn mỗi ngày. Trứng lộn thích hợp cho trẻ nhỏ bị còi cọc, thế lực yếu… Có thể cho ăn thường xuyên mỗi ngày 1 quả trứng vịt lộn hay 5 quả trứng cút lộn.
Óc lợn có phải là thực phẩm tốt cho trẻ không?
Trong 100g óc lợn có: Chất đạm: 9g, chất béo: 9,5g, lượng cholesterol: 2500 mg, sắt: 1,6g, ngoài ra còn có đường, canxi, phôt pho, nước.
So với gan lợn, óc lợn có lượng đạm, đường và canxi thì tương đương, nhưng lượng phốt pho kém hơn, đặc biệt sắt thấp hơn 7 lần, lượng nước cao hơn (80% so với 74%). Nồng độ cholesterol ở óc cao gấp 3 lần so với thận, gấp 5 lần so với gan và hàng chục lần so với thịt nạc. Óc lợn còn có lượng lipid cao hơn 3 lần so với gan lợn.
Khi trẻ ăn óc lợn thường xuyên, ăn quá nhiều sẽ có nguy cơ dư thừa chất cholesterol, nguyên nhân gây nên các bệnh về tim mạch, gan nhiễm mỡ. Trẻ em cần nhiều chất đạm để phát triển trí não, còn ăn quá nhiều chất béo thì có thể gây thừa cân – béo phì, ảnh hưởng đến phát triển não bộ.
Bạn vẫn có thể cho trẻ ăn óc lợn, nhưng cần cho ăn đúng cách, mỗi tuần ăn từ 1 – 2 lần, mỗi lần từ 30 – 50g/bữa, không cho trẻ ăn liên tục, cũng không quá nhiều một lần ăn.
Khi cho bé ăn các món từ óc lợn, bạn bổ sung thêm một chút đạm như thịt, đậu phụ, trứng… cho bữa ăn đó. Đồng thời phải giảm lượng dầu mỡ, quá nhiều chất béo bé sẽ bị rối loạn tiêu hóa.
Nội tạng động vật, tốt hay xấu?
Phần lớn các loại nội tạng đều chứa nhiều chất đạm, riêng các loại tim, gan chứa nhiều sắt và vitamin A. Tuy nhiên nhược điểm chủ yếu của các loại nội tạng là chứa nhiều chất béo; đặc biệt cholesterol rất cao.
Gan gia súc và gia cầm có rất nhiều vitamin (A, D, K, vitamin B1, B2, B6, B12, folate, biotin, và pantothenic acid) và muối khoáng (sắt, kẽm, selen) rất cần cho sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, do gan là một cơ quan lọc thải độc chất có trong cơ thể, hàm lượng các chất này trong gan phụ thuộc rất nhiều vào chế độ ăn của gia súc và gia cầm. Nếu ăn quá nhiều gan gia cầm, các chất độc này có thể được tích tụ gây ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ của trẻ.
Các món ăn làm từ nội tạng động vật tốt cho sự phát triển của bé nhưng khi ăn cũng chỉ nên cho bé ăn vừa phải, mỗi tuần ăn từ 2 – 3 lần, mỗi lần từ 30 – 50g/bữa.