Dù đã được cảnh báo rất nhiều trên báo chí và truyền hình nhưng không ít trẻ vẫn là nạn nhân của việc sơ cứu bỏng theo cách 'trời ơi'.
“Cháu gái em (4 tuổi) do mải chạy nghịch nên bị bỏng bô xe máy. Nghe lời khuyên của một thầy lang gần nhà, gia đình em đã lấy một bát muối cho vào túi vải bọc lại rồi quấn quanh vết bỏng. Nửa tháng trời, vết thương của cháu không có dấu hiệu khỏi nên gia đình em đâm lo, vội đưa cháu đến khám ở Viện Bỏng Quốc Gia. Cả nhà em được phen sợ hãi khi bác sĩ chẩn đoán phần da chỗ bỏng đang dần hoại tử...
Em kể chuyện gia đình mình, rất mong bậc cha mẹ nào còn suy nghĩ tự cứu con khi bị bỏng thì nên cẩn thận. Chăm trẻ con, 'sẩy một ly, đi một dặm', đừng để mắc sai lầm rồi hối hận như nhà em", chị Gia Linh (email hoanggialinh…@...) chia sẻ.
Cách sơ cứu trẻ bị bỏng ‘lạ’ như gia đình chị Gia Linh không phải là hiếm gặp. Chuyện các bác sĩ Khoa bỏng trẻ em kể: có trường hợp bé gái 4 tuổi, người Hà Nội, sau khi bị bỏng nước sôi thì được bố mẹ (đều là Giảng viên, Tiến sĩ của trường Đại học lớn) ‘giải cứu’ bằng cách ngâm tay bé vào nước mắm để giữ nhiệt... Kết quả, bé phải cắt bỏ 3 ngón tay vì bị hoại tử... được nhiều phụ huynh nhớ mãi và coi như bài học 'xương máu' khi nuôi con.
Khi trẻ bị bỏng, hãy để vết thương dưới vòi nước lạnh đang chảy nhẹ (Ảnh minh họa)
Tiến sĩ Nguyễn Hải An, phó chủ nhiệm Khoa Trẻ em, Viện Bỏng Quốc Gia cho biết, rất nhiều trường hợp trẻ bị bỏng nhẹ nhưng do người nhà không biết cách xử lý hoặc áp dụng các kinh nghiệm chữa sai khiến vết thương nặng hơn rất nhiều.
Thói quen của đa số phụ huynh khi trẻ bị bỏng, việc đầu tiên là tìm cách tự chữa bằng các bài thuốc dân gian như: bôi kem đánh răng, xát muối hoặc ngâm vào nước mắm, dùng tỏi đắp vào vết rộp, bôi nhựa chuối … Ngoài ra, không ít người lại chuộng đắp lá, dùng thuốc đông y để chữa bỏng cho trẻ vì cho rằng như vậy mới lành, lại rẻ. .. Thực tế, đây là những ‘bí kíp’ phản khoa học. “Da trẻ còn rất non nớt, mỏng manh nên bố mẹ tuyệt đối không được đắp các loại lá, hay "thuốc" tự chế cho con, khiến bệnh càng nặng thêm”, bác sĩ An nói.
Bài liên quan:
Sơ cứu nhanh khi bé gặp chấn thương
"Bẫy chết người' với trẻ từ cây cảnh trong nhà
Tránh 'bẫy' trong nhà cho trẻ nhỏ
Đồ nguy hiểm 'đội lốt' an toàn với bé
Khi trẻ bị bỏng, việc cần làm đầu tiên là chặn đứng nguyên nhân gây bỏng càng sớm càng tốt. Tiếp theo là xử lý vết bỏng thật nhanh, tốt nhất là trong 15 phút đầu và việc cần làm là:
- Hãy rửa ngay vết thương của trẻ với thật nhiều nước lạnh, bằng cách: nhúng vết thương vào chậu nước sạch có thả vài cục nước đá hoặc để vết thương dưới vòi nước lạnh đang chảy nhẹ cho đến khi trẻ cảm thấy đỡ đau rát. Nếu bị bỏng ở những vùng cơ thể khó ngâm nước như: mặt, cổ... thì có thể dùng khăn sạch, ướt đắp lên.
- Trường hợp trẻ bị bỏng chất lỏng (dầu, nước sôi, axit), trước hết phải dùng kéo cắt bỏ quần áo bị cháy ra. Khi sơ cứu, người lớn cần nhẹ tay kẻo gây xước da trẻ, tiếp đó mới ngâm chỗ bị bỏng vào nước lạnh.
- Nếu vải bị dính vào vết thương, hãy rửa nước lạnh bên ngoài lớp vải rồi đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. Tuyệt đối không nên cố gỡ vải ra.
Thông thường sau khi bị bỏng 1-2 ngày, chỗ bị thương sẽ phồng rộp lên, khiến bé đau rát. Đối với vết phồng nhỏ, tốt nhất là để nguyên như vậy, tự nó sẽ xẹp xuống. Còn nếu vết phồng rộp lớn và ở những chỗ hay bị chạm phải, bố mẹ cần đưa bé tới bác sĩ chuyên khoa để được điều trị.