Một số thông tin về bệnh cúm sẽ giúp mẹ bầu biết được cách phòng tránh và điều trị đúng.
Cúm trong thời gian mang thai là gì?
Cúm là căn bệnh về hô hấp thông thường nhưng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Nhiều người cho rằng đó chỉ là một dạng cảm lạnh, trong khi ít người biết rằng cúm cũng có thể dẫn đến tử vong. Số liệu năm 2009 cho thấy có 75 phụ nữ mang thai tử vong vì cúm H1N1.
Các dấu hiệu của bệnh cúm
Các triệu chứng của cúm bao gồm sốt, sổ mũi, nghẹt mũi, đau họng, ho, nhức đầu, mệt mỏi và đau nhức cơ thể. Một số trường hợp có thể bị nôn mửa, tiêu chảy. Không giống cảm lạnh, cúm đến bất ngờ, bạn có thể thấy khỏe mạnh vào buổi sáng nhưng chỉ tới chiều cảm giác nhức đầu, đau họng, nghẹt mũi đã xuất hiện và báo hiệu bạn có thể bị cúm.
Cần cẩn trọng với bệnh cúm trong thời điểm giao mùa. (Hình minh họa)
Bà bầu có hay bị cúm?
Cúm không loại trừ một ai. Tuy nhiên, với bà bầu thì mọi việc sẽ nguy hiểm hơn nếu cúm lây cho em bé trong bụng.
Tại sao bạn bị cúm?
Cúm lây lan trực tiếp trong không khí, vì vậy khi bạn bắt tay với người mang bệnh hoặc gần họ khi họ ho, hắt hơi là có thể đã nhiễm cúm từ họ.
Cúm có nguy hiểm cho em bé của bạn?
Nghiên cứu cho thấy các bà bầu nhiễm cúm có xu hướng đẻ con nhẹ cân hơn một bà bầu khỏe mạnh. Ngoài ra, cúm cũng có liên quan tới việc sinh non ở thai phụ.
Nếu cúm kèm sốt cao sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của em bé trong ba tháng đầu thai kỳ.
Cách điều trị cúm khi mang thai?
Việc sử dụng thuốc cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo cho sự an toàn của em bé. Ngoài ra, bà bầu khi bị cúm cần nghỉ ngơi, uống nhiều nước, nước hoa quả có vitamin C và ăn nhiều rau xanh.
Cách phòng tránh cúm?
Tốt nhất hãy phòng tránh bằng cách tiêm phòng cúm trước khi có ý định mang bầu. Các bác sĩ cho rằng đây là biện pháp tốt nhất để bạn tránh được căn bệnh này trong suốt 9 tháng thai kỳ. Nghiên cứu cho thấy một người mẹ có chích ngừa cúm thì em bé cũng có khả năng miễn dịch với virus cúm trong ít nhất 6 tháng sau sinh.