Để nuôi dạy bé trai thành tài, khó khăn thì vô vàn nhưng kiến thức và hiểu biết của cha mẹ về giáo dục trẻ thì có hạn. Vì thế, không ít phụ huynh cứ đi từ sai lầm này đến sai lầm khác:
- Lầm tưởng rằng cứ cho con học đủ thứ, đủ loại để chúng toàn tài mới tốt.
- Lầm tưởng rằng gằn giọng khi nói chuyện mới khiến con ngoan ngoãn, biết vâng lời.
- Lầm tưởng rằng bao bọc con thật kỹ để con không rơi vào cạm bẫy xấu xa mới an toàn...
Tất cả những sai lầm ấy đã tước đi khả năng và sức mạnh giải quyết vấn đề, cũng như lòng tự tin... của bé trai, biến chúng thành những đứa trẻ ẻo lả, yếu ớt về thể chất và 'què quặt' về tâm hồn.
Tôi vẫn nhớ mãi lần xem một bộ phim của Mỹ. Người bố vì có việc phải đi xa, trước khi đi đã dặn cậu con trai 10 tuổi ở nhà: “Giờ con là người đàn ông duy nhất trong gia đình, con phải là trụ cột cho mẹ và em. Con có hứa với bố là sẽ thay bố chăm sóc tốt họ không?”. Nghe câu nói ấy, tôi thực sự ngạc nhiên. Nếu đây là cậu bé 10 tuổi, người Việt thì tôi cược rằng cậu bé sẽ được dặn dò: "Con ở nhà ngoan và nhớ nghe lời mẹ!"
Người đàn ông được ví như cây đại thụ, sẽ 'đứng mũi chịu sào' và phải chịu áp lực cũng như gánh nặng gia đình rất lớn. Nếu họ không quyết đoán và mạnh mẽ thì chỉ cần một cơn sóng nhỏ, hạnh phúc gia đình sẽ vuột khỏi tầm tay. Vì vậy, để 'đào luyện' những người đàn ông đích thực, cha mẹ đừng chờ đến khi con đã 'choai choai' mới bắt đầu uốn nắn. Hãy dạy bé trai những đức tính tạo bước đệm thành công dưới đây, càng sớm càng tốt.
Muốn bé trai lớn lên thành người đàn ông đích thực, hãy 'uốn nắn' bé càng sớm càng tốt (Ảnh minh họa).
1. Quyết đoán
Một đứa trẻ độc lập, quyết đoán, sẽ có cơ hội thành công cao hơn và trở thành người lãnh đạo cốt cán, tài năng.
Hãy nhớ rằng những năm đầu của một đứa trẻ sẽ đặt nền móng cho tuổi trưởng thành của mình, và vì thế nó rất quan trọng là bạn bắt đầu đào tạo trẻ thông qua hành vi tích cực và tư duy càng sớm càng tốt. Do đó, để giúp con rèn tính này, cha mẹ hãy cho phép và khuyến khích con thể hiện cảm xúc trung thực, ý kiến cá nhân, thay vì trừng phạt mỗi lần con dám cãi lại hay tỏ ra giận dữ...
2. Biết đồng cảm
Tôi từng tận mắt chứng kiến một bé trai chừng 4 - 5 tuổi khi thấy bạn ngã chảy máu tay đã đến kéo bạn đứng lên, phủi tay cho bạn và an ủi: "Tớ cũng đau khi chảy máu giống cậu". Bản thân tôi cho rằng, đây chính là sự đồng cảm mà không phải đứa trẻ nào tuổi này cũng học được. Có đồng cảm, cậu bé mới khéo dỗ bạn đến thế, mới biết quan tâm, sẻ chia với bạn bè, người thân...
Đồng cảm giúp bé biết chia sẻ và yêu thương (Ảnh minh họa).
3. Biết tôn trọng người khác
Khi trẻ vi phạm các quy tắc bạn thiết lập ở trong gia đình, bắt đầu từ việc nói một ngôn ngữ nào đó không hay hoặc làm điều gì đó mà cha mẹ cấm đoán, hãy giải thích và đưa ra hậu quả của lời nói và hành vi đó. "Đứa trẻ sẽ tôn trọng sự quyết đoán của người lớn trong lời nói, nguyên tắc, chứ không phải là cách người lớn sử dụng bạo lực để áp dụng các quy tắc đó", Michael Gurian, tác giả của cuốn sách The Purpose of Boys” nói.
Ngược lại, nếu người lớn luôn thông cảm và bỏ qua cho hành động của trẻ, hoặc cho trẻ biết hệ quả nhưng sau đó lại bằng cách khoan nhượng thường xuyên, đứa trẻ sẽ phát triển thành một người có ít động lực, hư hỏng, và không quan tâm đến bất cứ ai khác, ông Michael nói.
4. Biết kiểm soát cảm xúc
Sự mạnh mẽ, điềm tĩnh và biết kiểm soát cảm xúc là đức tính tuyệt vời của đàn ông. Tuy nhiên, nếu cậu con trai của bạn có những bức bối và khó chịu trong người, hãy khuyến khích bé biểu lộ cảm xúc và rằng con trai cũng được quyền khóc, được quyền có những phút giây yếu đuối. Nhưng sau những phút giây đó, con phải mạnh mẽ để vươn lên và vượt qua thử thách.
Nếu con trai bạn có thái độ gắt gỏng sau khi đi học về, bạn đừng vội phản ứng lại bằng những câu hỏi dồn dập cho con. Đơn giản bạn chỉ cần nói: “trông con mệt mỏi quá! Mẹ/cha có thể giúp con điều gì không?’ hay “con có nhiều bài tập về nhà quá sao con trai?’…con trai của bạn sẽ mở lòng khi nhận thấy thái độ quan tâm của cha/mẹ và trẻ sẽ thoải mái tâm sự cùng cha/mẹ.
5. Kỹ năng giải quyết vấn đề
Trước những rủi ro mà trẻ có thể gặp phải hay những xích mích giữa trẻ với bạn bè, cha mẹ không nên can thiệp ngay mà nên để trẻ tự ứng biến và nghĩ cách xử trí. Việc làm này giúp trẻ nhanh nhạy và ứng biến nhanh hơn khi gặp khó khăn.
6. Bại không nản
Khái niệm đàn ông đồng nghĩa với sự chiến thắng đôi khi tạo ra áp lực cho con trai. Không phải ngẫu nhiên mà giáo sư tâm lý học Myrna B.Shure lại khẳng định rằng trở thành người thất bại là một trải nghiệm để trưởng thành và bước đệm cho thành công.
Khi được trải nghiệm cả hai cảm giác thất bại và chiến thắng, trẻ sẽ dễ dàng lấy lại cân bằng hơn cho cuộc sống và cũng không có những ảo vọng vượt quá khả năng của bản thân. Điều quan trọng là, sau những thất bại trẻ sẽ hiểu và rút ra những bài học cho mình.