Khi biết không thể giữ được bé Tu Ti trong bụng, Linh suốt ngày chỉ nằm bẹp trên giường. Nỗi buồn mất mát cộng với sức khỏe giảm sút khiến cô xanh xao, yếu đuối tới mức không nhấc nổi chân tay. Chồng Linh mặc dù đau lòng nhưng vẫn cố gắng động viên vợ, dành thời gian đưa cô đi ra ngoài cho khuây khỏa. Anh cũng xin phép cơ quan vợ cho cô được nghỉ vài ngày dưỡng bệnh. Hàng ngày, hết giờ làm là anh vội lao về nhà, giành hết mọi việc cơm nước để Linh không phải vất vả, động tay chân.
Duy chỉ có vấn đề dinh dưỡng thì cả hai vợ chồng đều trẻ, lại ở riêng nên anh không biết nên bồi dưỡng gì để Linh nhanh hồi phục. Anh liền gọi điện cho bà nội ở quê, bà nhắc anh nên giành thời gian để chăm sóc vợ, đồng thời mỗi sáng nấu cho Linh một bát cháo đậu nành để nhanh lại sức.
Cháo đậu nành với nhiều chất bổ dưỡng giúp phụ nữ sảy thai nhanh hồi phục. (Hình minh họa).
Nghe lời mẹ, anh ra ngoài siêu thị mua vài bịch sữa đậu đóng gói. Mỗi sáng, anh dậy sớm cặm cụi nấu 50 gram gạo với 2 bát sữa đậu nành. Sau khi hạt gạo đã nhừ tan, chồng Linh cho thêm một chút đường để cô nêm vừa miệng.
Trong đậu nành có rất nhiều vitamin E và axit folic. Đây là loại thực phẩm giúp phục hồi sức khỏe nhanh chóng cho phụ nữ mới bị sảy thai. Nếu phụ nữ thiếu 2 loại chất này cũng hay có nguy cơ sảy thai, bong rau, đẻ non.
Bài thuốc cháo đậu nành do bà nội học được của một người bạn Trung Quốc đã giúp Linh hồi phục lại sức khỏe nhanh chóng sau 1 tuần ăn liên tiếp. Với những chị em bị sảy thai cũng hoàn toàn có thể áp dụng món này để nhanh chóng bình phục. Ngoài ra, các chị em vừa trải qua giai đoạn này cũng cần chú ý những điều sau:
Chế độ nghỉ ngơi
Sau khi sảy thai, chị em cần sắp xếp thời gian nghỉ ngơi trong vòng 1 tuần. Tránh làm việc nặng, tránh đi lại nhiều. Để giữ cho tinh thần thoải mái nhanh vượt qua nỗi buồn, chị em cần giành thời gian chuyện trò với bạn bè, người thân trong gia đình nhiều hơn.
Lựa chọn thực phẩm
Nên chọn các thực phẩm lành tính, dễ tiêu hóa, không quá nóng, quá lạnh. Thời gian để bồi dưỡng trong khoảng 2 tuần sau khi sảy thai.
- Bổ sung sắt: Để phòng bệnh thiếu máu, chị em cần ăn nhiều nho, mía, rau dền, rau ngót, bí đỏ...
- Bổ sung protein: Cá, gà, trứng, gan động vật, đậu, sữa, hoa quả... Nên lựa chọn thực phẩm giàu vitamin E như hạt điều, hạt hướng dương, hạt dẻ, khoai lang, bơ, cà chua, giá, hành tây, các loại đậu...
- Bổ sung axit folic: Axit folic có trong rau cải, rau diếp, đậu xanh, chuối, dưa hấu, chanh, sữa, đậu, nấm, cam, bơ, ngũ cốc...
- Chọn đồ ăn dễ tiêu như củ cải, mướp đắng. Kiêng rau sống, đồ chua, hải sản.
Phụ nữ sau khi sảy thai cần sự động viên của các thành viên trong gia đình. (Hình minh họa)
Quan hệ vợ chồng
Chị em nên tới bác sĩ để nhận được lời khuyên đúng đắn nhất. Việc kiêng giao hợp nên thực hiện trong khoảng 2 tuần. Một số trường hợp có thể phải kiêng tới 2 tháng tùy theo chỉ định của bác sĩ.
Sau bao lâu nên có thai lại?
Một số người sau khi sảy thai khoảng 2-3 tháng là đã có thai và sinh em bé an toàn, khỏe mạnh. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, để đảm bảo tâm lý và sức khỏe tinh thần tốt nhất thì nên có thai lại từ khoảng 6 tháng - 1 năm. Bởi một số trường hợp vì vội có thai sớm sẽ làm tăng nguy cơ sảy thai.