Chuyện la mắng tùy tiện
Con làm đổ nước cũng hư, con đòi đi chơi cũng hư…đứa trẻ không hiểu hư là như thế nào nữa. Cha mẹ muốn con sửa lỗi nhưng lại không chỉ lỗi cho con thấy mà chỉ quy kết tội là hư. Lời mắng đó được lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ khiến cho trẻ nghĩ rằng nó đúng là đứa trẻ hư thật. Trẻ có thể tỏ vẻ nghe lời trước mặt cha mẹ nhưng khi cha mẹ vắng mặt thì nó vẫn chứng nào tật nấy, không sửa đổi.
Sai lầm hơn, khi nhiều bậc cha mẹ do không kiềm chế được cảm xúc đã mắng con là đồ này, thứ kia trước mặt bạn bè nó. Những lời nói đó đối với trẻ sẽ là sự xúc phạm chứ không còn là lời dạy dỗ nữa. Trẻ có thể không phản kháng nhưng sự ngấm ngầm chống đối, thiếu tôn trọng cha mẹ còn nguy hiểm hơn. Bạo lực tinh thần chỉ khiến trẻ trở nên tự ti và dễ hung hăng hơn mà thôi.
Chê thế nào cho đúng
Những người làm cha mẹ hẳn ai cũng đã từng bị chê trách. Cha mẹ đã cảm thấy thể nào khi bị mắng những câu như “Sao con chậm hiểu thế”, “Mày chẳng được tích sự gì” …? Khi bị chạm vào lòng tự ái thì khó ai giữ được bình tĩnh để lắng nghe người khác nếu không nói là chỉ muốn chống đối lại.
Khi con mắc lỗi, cha mẹ không nên chê nhân cách của con mà chỉ nên chê hành động hay lời nói đó. Câu “Con hư quá! Lại đánh bạn nữa hả” có thể thay bằng “Không được đánh bạn. Đánh bạn sẽ làm bạn đau. Xin lỗi bạn đi nào”. Khi cha mẹ chỉ lỗi của con thì hãy giải thích cho con hiểu, không nên dùng những từ chung chung như hư quá, phá quá…
Cha mẹ hãy giữ thái độ nhất quán với con trẻ, tránh trường hợp cùng một hành động mà lúc thì trẻ bị chê, lúc thì không. Trường hợp cha mẹ biết lỗi của con nhưng không tiện dạy dỗ ngay lúc đó thì có thể làm ngơ, đừng để trẻ nhầm tưởng rằng cha mẹ thấy mình làm vậy mà không nói gì là đồng ý.
Dục tốc bất đạt
Trẻ sẽ mắc hết lỗi này đến lỗi khác trong quá trình trải nghiệm, khám phá để trưởng thành. Chỉ có sự yêu thương và kiên nhẫn của cha mẹ mới giúp con sửa chữa lỗi của mình một cách tốt nhất.
Nhiều bậc cha mẹ vì nóng lòng muốn con hoàn thiện mà chê con một cách dồn dập, thậm chí thường xuyên nhắc lại những lỗi trước đây của con. Trẻ không thể một lúc nhớ hết, sửa hết được những lỗi mà cha mẹ muốn.
Gây áp lực làm con căng thẳng, lo lắng không mang lại hiệu quả. Khi bị chê quá nhiều, trẻ có thể chán nản vì nghĩ rằng dù có làm gì cha mẹ cũng chẳng hài lòng dẫn đến tự ti, chán ghét mọi thứ. Nếu trẻ cố gắng làm hài lòng cha mẹ thì sự căng thẳng dồn nén cũng sẽ đến ngày bùng phát.
Đọc giả Trần Quốc tuấn