Vâng lời cha mẹ mới là con ngoan
Điều này xuất phát từ sự yêu thương đùm bọc của cha mẹ. Cha mẹ không ai muốn con cái gặp nhiều va vấp trong cuộc sống nên muốn con nghe lời theo những trải nghiệm, bài học xương máu mà chính mình đã trải qua. Tuy nhiên, không hẳn những kinh nghiệm, bài học của cha mẹ là luôn đúng để chia sẻ với những tình huống con gặp phải. Và, cha mẹ có luôn luôn sáng suốt để chỉ bảo con trở nên “Con hơn cha là nhà có phúc” ?
Lợi và hại từ việc ép con ngoan
Một đứa trẻ biết nghe lời thì tính ích kỷ giảm dần, sự nhẫn nhịn, chịu đựng tăng lên. Trẻ không coi mình là trung tâm và biết kiềm chế cảm xúc hơn. Do đó, trẻ dễ dàng yêu thương, chia sẻ hạn chế xung đột nhiều hơn. Những tính cách này rất cần thiết khi trẻ tự lập, ra ngoài sự bao bọc che chở của gia đình.
Dù vậy, trẻ chỉ biết nghe lời cũng gặp những hạn chế. Cha mẹ quyết định cho con làm mất cơ hội để con rèn luyện tính tự lập, tự chủ. Sự phản biện cũng không được chấp nhận nên trẻ thiếu môi trường sáng tạo. Thông thường, đứa trẻ khi còn nhỏ, dù không muốn nhưng vẫn ngoan ngoãn nghe theo lời cha mẹ. Khi lớn lên, nó sẽ ngầm chống đối đến phản kháng khi bị áp đặt. Đứa trẻ lúc này không còn nghe theo lời cha mẹ nữa. Biết không nghe lời đúng lúc thì tránh được những sai lầm. Điều nguy hại nhất là khi những bậc cha mẹ không mẫu mực mà con nghe theo thì tấm gương đó sẽ lặp lại mà không ai mong muốn.
Phản biện mà vẫn giữ lễ
Trong cuộc sống, có rất nhiều trường hợp ta có kiến thức đúng, nhưng do thái độ bày tỏ chưa phù hợp nên người khác khó chấp nhận. Để có thể phản biện mà không bị coi là vô lễ, cãi lời thì cần phải giữ ôn hòa, tôn kính, lắng nghe và tránh đổ thêm dầu vào lửa. Khi thấy người khác không còn giữ bình tĩnh thì tốt nhất là hãy đợi lúc lắng dịu. Cha mẹ hãy tập cho con thói quen không tranh luận, phản ứng lúc nóng giận, mất bình tĩnh. Có thể người khác sai, nhưng hãy luôn tôn trọng họ và chỉ phản biện để hiểu rõ hơn về quan điểm, sự việc, tuyệt đối không được công kích hay chỉ trích người khác. Trong sự phản biện không phải lúc nào cũng đi đến một kết quả cuối cùng. Hãy chấp nhận sự khác biệt, không có người thắng kẻ thua, mà mỗi người đều hiểu rõ thêm nếu biết lắng nghe người khác. Đó là những thái độ mà cha mẹ cần trang bị cho con trước khi rèn luyện khả năng phản biện.
Phản biện không có nghĩa là phải biến đổi đen thành trắng, mà đơn giản là đặt câu hỏi để đào sâu, hiểu rõ hơn vấn đề. Khuyến khích con đặt câu hỏi, và hỏi ngược lại để lắng nghe ý kiến của con cũng là cách giúp trẻ nâng cao khả năng phản biện, sáng tạo. Đừng gạt đi những câu hỏi của trẻ, xem đó là câu hỏi vớ vẩn mà hãy giải thích theo mức độ hiểu biết của trẻ. Khi bé hỏi tại sao trời lại mưa? Cha mẹ có thể giải thích trời mưa để cho cây lên xanh tốt, đường sạch bụi. Và có thể hỏi thêm bé: nếu trời không mưa thì sao? Khi đi ra đường trời mưa cần phải mang theo gì?...Khi bé trả lời hãy hỏi bé còn gì nữa không, còn cách nào khác không…để bé tập trung suy nghĩ kỹ hơn.
Dạy con vâng lời và từng bước tự lập
Trẻ em chưa ý thức đầy đủ về những rủi ro do hành vi của mình như người lớn nên việc cha mẹ bắt buộc con phải vâng lời trong nhiều trường hợp là cần thiết để tránh những hệ quả xấu khó khắc phục. Khi bắt trẻ làm gì hay cấm trẻ làm điều gì, cha mẹ nên giải thích cho trẻ hiểu để bé khỏi bị ức chế. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần tùy trường hợp mà hướng dẫn con phân tích và tự ra quyết định. Tập cho bé tự làm những việc trong khả năng từ nhỏ thì bé sẽ không còn ỷ lại, thụ động, trông chờ cha mẹ. Cách giáo dục như vậy không chỉ giúp trẻ ngoan ngoãn mà còn có thể vững vàng tự tin hơn trong cuộc sống.
Bạn độc Trần Quốc Tuấn