Trộm vía cu Bi nhà mình rất dễ ăn. Mẹ cho Bi ăn gì Bi cũng đều ăn rất ngon lành. Biết Bi thích đồ ngọt nên mình thường mua sẵn sữa, bánh, kẹo, hoa quả để trong tủ lạnh cho Bi ăn dần. Cũng may bé hay hoạt động, chạy nhảy nhiều nên cơ thể khá săn chắc chứ không béo phì. Có cậu con trai “tốt nết” như vậy nên mình cũng đỡ vất vả hơn nhiều bà mẹ khác. Có một lần cu Bi chạy đến “mách” với mình là thấy mấy vết đen đen bám trên bề mặt răng. Xem sơ quá thì biết răng bé đang bị sâu nhưng khi ấy mình chủ quan nghĩ rằng chỉ mới bị thôi, chưa có gì nghiêm trọng. Hơn nữa răng sữa có thể thay nên cũng không cần thiết phải quá lo lắng. Thế rồi guồng quay của công việc, của những con số phải tính tính, toán toán khiến mình quên luôn chuyện sâu răng của bé Bi.
Không nên cho con ăn đồ ngọt trước khi đi ngủ (Hình minh họa)
Tối hôm vừa rồi thấy bé khóc vì đau răng, mình mới cuống cuồng lên. Xem kỹ thì thấy răng cửa của bé bị ố vàng, có chỗ đang chuyển dần sang đen. Ngoài ra răng hàm của Bi cũng có nhiều vết màu đen, thậm chí có cái còn xuất hiện lỗ nhỏ. Mình thấy hối hận quá. Từ trước tới giờ chủ quan nên mình không hay vệ sinh răng miệng cho con và dạy con cách làm sạch răng trước khi đi ngủ, kể cả khi con vừa ăn đồ ngọt. Thấy lợi con sưng lên đau nhức, mình liền giúp con làm sạch răng, cho con súc miệng bằng nước ấm nhưng vẫn không hiệu quả. Cực chẳng đã mình đành phải gọi điện hỏi bà ngoại xem có cách gì có thể làm giảm cơn đau răng cho Bi không. Dù gì nhanh nhất cũng phải sáng mai mình mới có thể đưa Bi đi khám răng được. Rất may bà ngoại đã chỉ cho mình một vài cách để làm giảm cơn đau răng cho bé tại nhà bằng phương pháp dân gian khá đơn giản. Các mẹ nếu gặp trường hợp này cũng có thể tự thực hiện như mình bằng cách sau:
Thực hiện giảm đau răng cho bé tại nhà
- Trà bạc hà vừa có mùi vị thơm ngon vừa có công dụng gây tê. Cho một muỗng lá bạc hà khô vào một ly nước sôi và ngâm khoảng 20 phút. Sau khi trà nguội, dùng chúng để súc miệng, có thể uống luôn sau khi súc miệng xong. Lặp lại thường xuyên khi thấy cần thiết.
Súc miệng bằng trà bạc hà có tác dụng gây tê (Hình minh họa)
- Khuấy một muỗng canh muối vào ly nước ấm và súc miệng trong vòng 30 giây rồi nhổ bỏ. Nước muối sẽ làm sạch khu vực quanh răng và rút bớt chất lỏng là nguyên nhân gây sưng lợi. Có thể áp dụng phương pháp này thường xuyên nếu thấy cần thiết.
- Một túi trà ấm, còn ướt cũng là mẹo hay để chữa đau răng. Trong trà đen chứa chất làm se là tannin. Chúng có khả năng làm giảm sưng và giảm đau tạm thời.
Đưa bé đi nha sĩ
Những phương pháp nêu trên chỉ có tác dụng giảm đau tạm thời chứ không phải là phương thuốc trị sâu răng hiệu quả. Chính vì vậy các mẹ không nên ỷ lại mà hãy đưa bé đến bệnh viện để được các bác sĩ chuyên khoa răng miệng thăm khám cụ thể và tìm cách chữa trị dứt điểm tình trạng hiện tại. Tốt nhất các mẹ nên đưa bé đến khám và điều trị tại nha khoa dành riêng cho trẻ em. Ở đó sẽ có những câu chuyện về “Thỏ đi chữa răng”. Trước khi nha sĩ thăm khám, bé sẽ được tập làm quen với cô y tá dịu dàng cùng câu chuyện của thỏ. Như vậy sẽ khiến cho bé đỡ sợ hơn thay vì cho bé đến khám ở “môi trường” điều trị răng của người lớn với những tiếng máy khoan rin rít đầy ám ảnh.
Cho bé ăn thức ăn có xơ để tránh sâu răng (Hình minh họa)
Một vài phương pháp phòng chống sâu răng hiệu quả
Răng sữa giúp trẻ ăn nhai, khởi đầu cho sự tiêu hóa, hấp thụ thức ăn, nhờ đó, trẻ phát triển thể lực và trí tuệ. Việc nhai còn giúp cơ mặt và xương hàm phát triển, giúp định hướng cho răng mọc lên vĩnh viễn và mọc đúng chỗ. Nhổ răng sữa trước tuổi hoặc nhổ bỏ răng hàm (răng vĩnh viễn) trước tuổi khiến khả năng nhai của hàm kém phát triển, phát âm không chuẩn, hàm răng bị xô lệch ảnh hưởng đến thẩm mỹ về cung răng và khuôn mặt trẻ sau này. Chính vì thế, hãy giúp trẻ gìn giữ hàm răng của mình ngay từ bây giờ. Phòng chống sâu răng còn hơn chữa trị răng sâu. Sau đây là một phải phương pháp phòng chống sâu răng cho bé:
- Tạo điều kiện cho bé tắm nắng để chống còi xương, hạn chế xương hàm của bé kém phát triển và phòng tránh hiện tượng răng bé mọc lệnh, yếu, dễ bị vi khuẩn tấn công.
- Không nên cho bé ngậm bình sữa (hoặc bình nước hoa quả) khi bé nằm trên giường hoặc trên cũi. Các loại đường sữa sẽ phá hủy lớp men răng và gây sâu răng cho bé.
- Hạn chế những loại đồ uống chứa đường sữa vào buổi tối. Với bé trên 1 tuổi, tốt nhất, bạn chỉ nên cho bé uống nước lọc trước giờ đi ngủ.
- Tránh cho bé thói quen ngậm đồ ăn, đồ uống trong miệng vì điều này sẽ khiến vi khuẩn có điều kiện tiếp xúc với răng lợi bé lâu hơn và gây nên hiện tượng sâu răng. Pha loãng nước hoa quả đóng hộp với nước lọc và cho bé sử dụng.
- Phải vệ sinh răng miệng sau khi ăn, trước khi đi ngủ. Hạn chế ăn thức ăn chứa nhiều đường.
- Trẻ em trong thời kỳ mọc răng, thay răng càng phải đặc biệt quan tâm đến hàm răng, như cho trẻ ăn đủ chất tạo răng, đánh răng và dạy trẻ biết đánh răng cho mình. Dùng kem đánh răng có chứa flourine, có thể dùng thêm nước súc miệng diệt khuẩn sau bữa ăn.
- Thức ăn cho trẻ phải cung cấp đầy đủ sinh tố A, C, D, các muối khoáng có trong các loại rau, quả, củ, thịt, trứng, sữa, thức ăn biển như: cá, cua, nghêu,… để giúp răng phát triển, chất fluor giúp cho cấu tạo răng bền vững. Nên cho trẻ ăn thức ăn có xơ, những sợi xơ cùng nước bọt tiết ra có khả năng cuốn đi thức ăn còn vướng ở kẽ răng, đó cũng là một cách phòng tránh sâu răng cho trẻ.
- Hãy cho trẻ khám răng định kỳ 6 tháng/lần để kịp thời phát hiện những biến đổi của răng, có các biện pháp điều trị phù hợp.
- Nếu phát hiện bé có dấu hiệu sâu răng, bố mẹ cần nhanh chóng đưa bé đi khám. Trong trường hợp bị sâu ít, bác sĩ sẽ tiến hành cạo chỗ răng sâu và hàn lại răng cho bé. Trường hợp răng bé bị sâu nặng, bác sĩ sẽ phải nhổ răng đi.