Dạy con là một hành trình gian nan nhưng cũng đầy hạnh phúc. Có rất nhiều điều cần phải dạy dỗ để trẻ làm hành trang bước vào đời. Có thể nêu ra một vài điều cần dạy bé như:
Dạy con biết yêu thương không ích kỷ.
Dạy con trung thực không nói dối.
Dạy con đối mặt với nỗi sợ hãi, chê cười.
Dạy con đối mặt với thành công & thất bại.
Dạy con can đảm và kiên trì.
Dạy con tự tin, tư duy tích cực …
Người lớn muốn dạy trẻ rất nhiều điều.Tất cả những điều đó đều cần thiết cho trẻ. Nhưng liệu với những điều được dạy đó bé có tìm được niềm vui và hạnh phúc mỗi ngày ? Mục tiêu giáo dục không thể xa rời hạnh phúc của mỗi cá nhân. Niềm vui, hạnh phúc trong những việc mình làm chính là động lực thúc đẩy trẻ muốn học hỏi những điều mà người lớn muốn truyền đạt. Do vậy, điều đó cần được người lớn quan tâm hơn nữa.
Hạnh phúc là vượt lên chính mình
Quan niệm giáo dục truyền thống rất coi trọng thành tích. Điều này dễ dẫn đến trẻ vô tình trở thành phương tiện đạt mục đích của người lớn. Phụ huynh muốn con học giỏi để khoe với mọi người, để không bị mất mặt. Nhà trường muốn học sinh học giỏi để trường đạt tiêu chuẩn này nọ...Thế là, người lớn lấy em này so sánh với em khác, lấy cá nhân so sánh với tiêu chuẩn này, tiêu chuẩn nọ...Quan niệm như vậy hoàn toàn không tốt cho quá trình giáo dục trẻ phát triển bản thân.
Học để so sánh không phải là động lực tích cực. Trẻ ngoan, học giỏi, được được khen nhiều dễ sinh tự mãn, coi thường những bạn khác. Trẻ thua kém bạn, cứ bị mang ra so sánh thì tự ti, ghen ghét, đau khổ. Điều này, về lâu dài, chẳng mang lại một lợi ích nào cho trẻ.
Con người học không phải là để so sánh mà để tiến bộ. Trong mỗi hành động, trẻ thấy mình làm tốt hơn ngày hôm qua thì bé đã tìm thấy niềm vui, hạnh phúc. Hạnh phúc thật đơn giản và dễ tìm nếu có quan niệm đúng đắn. Học để vượt lên chính mình. Niềm vui, hạnh phúc sẽ đến mỗi ngày khi trẻ thấy mình biết nghe lời hơn, biết nhường nhịn hơn, tự giác hơn…ngày hôm qua. Đó là hành trình không ngừng nghỉ, không có chỗ cho sự tự mãn. Con đường đó đã được nhiều nhà tư tưởng vĩ đại truyền lại trong những câu nổi tiếng:
"Chiến thắng bản thân là chiến thắng hiển hách nhất." - Platon
"Chiến thắng vạn quân không bằng tự chiến thắng mình. " - Buddha
So sánh với ngày hôm qua
Hãy đổi câu: Con ăn nhanh hơn bạn A rồi! thành câu: Con ăn nhanh hơn ngày hôm qua rồi, giỏi quá ! Thay vì chê: sao cả lớp đều làm xong mà con thì không ? Cha mẹ hãy hỏi nguyên nhân và chia sẻ với bé: Sự mất tập trung đã khiến con làm chậm hơn hôm trước thấy không ? Hãy tập trung hơn nữa, con sẽ làm tốt hơn hôm nay!
Những sự so sánh đó sẽ giúp trẻ hiểu rằng không phải mình giỏi hay kém, mà chính sự cố gắng mới mang lại niềm vui. Khi gặp những khó khăn trẻ sẽ tự biết cần vượt qua bằng sự nỗ lực. Trẻ nỗ lực và nhận được niềm vui với hành động đó, chứ không phải ấm ức vì bị người lớn bắt phải làm như vậy. Có thể lấy một tình huống đơn giản :
Trẻ đánh nhau ở trường bị cô giáo phạt. Có 2 cách cha mẹ có thể khuyên con:
- Đánh nhau với bạn là không tốt. Lần sau, nếu bạn muốn đánh hay tranh giành với con, con hãy báo cô giáo nhé. Với cách này, trẻ có thể nghe lời nhưng vẫn ấm ức vì phải chịu đựng.
- Đánh nhau với bạn là không tốt. Lần sau, nếu bạn muốn đánh hay tranh giành với con, con hãy báo cô giáo nhé. Con làm được như vậy thì mới tốt hơn hành động ngày hôm nay. Như vậy, khi trẻ nghe lời, trẻ biết là mình đã làm một việc tốt hơn và hoàn toàn tự nguyện, không phải ấm ức.
Cha mẹ hãy luôn luôn khuyến khích, phát hiện, động viên trẻ tiến bộ hơn mỗi ngày. Điều này sẽ gieo vào suy nghĩ của trẻ phải nhìn việc đã làm và sẽ làm tốt hơn nữa. Còn gì tuyệt vời hơn khi trẻ tự tìm được niềm vui, động lực trong mỗi sự cố gắng trên mỗi bước trưởng thành với sự nâng bước của cha mẹ.
Đọc giả Trần Quốc Tuấn