Thuyết phục hay bắt buộc
Tranh cãi giữa vợ chồng Lan đẩy lên đến cực điểm khi hai người không thống nhất được cách dạy dỗ đứa con đầu lòng. Từ nhỏ đến lớn chị Lan muốn học gì, chơi gì cũng phải được ba cho phép. Đến lúc học đại học cũng là do ba chọn trường. Chị thấu hiểu cảm giác mất tự do của mình. Giá như ba chị chịu lắng nghe, và giải thích cho chị hiểu thì mọi chuyện đã tốt hơn rất nhiều. Chồng chị lại không nghĩ thế. “Trẻ con thì biết cái gì là tốt, cái gì là không nên? Không bắt buộc mà cứ thuyết phục thì còn lâu nó mới ngoan ngoãn nghe theo.”
Tranh cãi xung quanh việc dạy con thế nào cho đúng khá phổ biến trong các gia đình. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, sự giao thoa giữa nhiều nền văn hóa từ Đông sang Tây và thông tin đa chiều trên các phương tiện càng làm cho các bậc cha mẹ thêm bối rối.
Đông hay Tây đều không được thái quá cũng không bất cập
Mỗi đất nước hay vùng miền, do điều kiện tự nhiên, hoàn cảnh xã hội, những yếu tố lịch sử cũng như quan niệm về giá trị khác nhau nên phương pháp dạy con cũng có nhiều điểm khác biệt. Tuy nhiên, nó đều hướng con người đến sự hoàn thiện về đạo đức và năng lực cá nhân. Mỗi phương pháp cũng giống như một bài thuốc chữa bệnh. Bệnh khác nhau nên thuốc mới khác nhau. Biết bệnh rồi mới cho thuốc; dùng đúng thuốc, đúng liều mới khỏi bệnh được. Dùng thuốc không đủ có thể gây nhờn thuốc, dùng quá liều thì gây hại cơ thể, kể cả thuốc bổ dùng không đúng cũng phản tác dụng. Việc dạy con cũng vậy. Mỗi đứa con một cá tính, năng lực khác nhau nên không thể dạy theo kiểu rập khuôn, máy móc.
Khi đứa trẻ còn nhỏ, có nhiều rủi ro mà trẻ hoàn toàn không ý thức được nên việc cha mẹ bắt buộc trẻ nghe lời là cần thiết. Hơn nữa trẻ nghe lời cha mẹ dần dần sẽ học được cách sống vì người khác, hạn chế sự ích kỷ. Tuy nhiên, khi trẻ lớn lên, cùng với nhận thức được nâng cao thì cha mẹ cũng nên chia sẻ, giải thích để con tự lựa chọn nhiều hơn. Lúc này sự thuyết phục lại có thể phát huy tác dụng hơn là áp lực. Nghiêm khắc với con quá thì con dễ xa cách rồi phản kháng, nhẹ nhàng với con quá thì con dễ được đà lấn tới và không nghe lời. Nên, cách đối xử giữa cha mẹ và con cái rất cần sự đúng mực.
Nếu đứa bé có tính nhút nhát thì rèn cho con sự tự tin là cần thiết. Nhưng khi đứa trẻ đã tự tin thì sự khuyến khích, tán dương sự tự tin có thể làm cho trẻ trở nên kiêu căng, tự mãn. Một đứa trẻ có tính ích kỷ thì nên tập để bé biết nhường nhịn, chia sẻ cho mọi người. Nhưng đối với đứa trẻ đã biết yêu thương chia sẻ thì cần phải dạy cho trẻ biết phân biệt nên cho ai, trong trường hợp nào. Chỉ có sự quan tâm của cha mẹ giữ cho trẻ không phát triển thái quá hay bất cập mới giúp con từng bước hoàn thiện bản thân.
Hiểu con để dạy con một cách linh hoạt
Mọi phương pháp giáo dục chỉ mang lại hiểu quả tích cực khi nó phù hợp với đối tượng được giáo dục. Nếu cha mẹ không thường xuyên quan sát, lắng nghe để hiểu con hơn, thì dù dạy con theo phương pháp nào cũng khó mang lại kết quả tốt nhất. Khi đã hiểu những tố chất riêng của con, phụ huynh sẽ dễ dàng đưa ra định hướng và mục tiêu phù hợp với con mình. Trên cơ sở đó, cả nhà sẽ cùng trao đổi, thống nhất kế hoạch, quy định trong gia đình. Ông bà xưa có câu: “Quốc có quốc pháp. Gia có gia quy”. Quy định trong gia đình là nền tảng hết sức cần thiết nhưng cũng tùy thực tế mà điều chỉnh, không nên quá cứng nhắc.
Dạy con cũng là quá trình cha mẹ dạy chính mình. Nếu cha mẹ không nghiêm túc thực hiện quy định trong gia đình thì sao khiến trẻ kính trọng nghe lời được. Do đó, mỗi bậc phụ huynh hãy là tấm gương sáng để con em mình noi theo trên mỗi bước trưởng thành.
Bạn đọc Trần Quốc Tuấn