Kim chi vốn là món ăn truyền thống nhưng luôn được ưa chuộng của người Hàn Quốc. Không ít người Việt chúng ta yêu thích những hương vị cay nồng cũng coi đây là món ăn khoái khẩu của mình.
Kim chi được chế thành nhiều món ngon, ăn nhiều với các loại thực phẩm khác nhau xong đều tạo ra sự hấp dẫn rất riêng mà chẳng ai có thể chối từ được.
Trong tiết trời mang theo những cơn gió lạnh đầu mùa đôi khi khiến bạn phải rùng mình này hãy làm thử món lẩu kim chi xem sao nhé. Món lẩu kim chi được chế biến theo phong cách của người Việt.
Hương vị cay nồng, ngon tuyệt này đã một phần góp sức giúp bạn có thể xua tan đi cái lạnh đầu mùa (Ảnh từ Internet)
Quây quần bên gia đình với nồi lẩu mang hương vị chua, cay, thơm rất đặc trưng thật là tuyệt. Nồi lẩu bao giờ cũng có thật nhiều kim chi cải thảo trong đó. Vớt kim chi ăn thử bạn mới thấy “đã”, bởi cái vị cay cay, tê tê ngấm thật sâu vào từng miếng rau cải thảo, tuy ban đầu có thể khiến người ăn phải xuýt xoa nhưng sau đó lại không thể ngưng đũa. Hương vị cay nồng, ngon tuyệt này đã một phần góp sức giúp bạn có thể xua tan đi cái lạnh đầu mùa.
Lẩu kim chi không khó làm bởi nguyên liệu hoàn toàn rất đơn giản và gần gũi với người Việt. Chỉ có cách chế biến mới thể hiện rõ được hương vị của món ăn và đem lại cảm giác vừa quen vừa lạ cho mỗi người thưởng thức.
Nguyên liệu
- Kim chi cải thảo (nguyên cây): 500-700 gr
- Nước kim chi: 500-700 ml
- Nước dùng gà hoặc heo: 2-4 lít
- Tôm lột: 200-300 gr
- Thịt gà phi lê: 300 gr
- Thịt heo nạc: 500 gr
- Đậu hũ non hoặc đậu hũ trứng: 4-5 miếng
- Cải thảo: 2-3 cây
- Nghêu: 500 gr
- Nấm đông cô, nấm kim châm, nấm bào ngư hoặc nấm hải sản: 100 gr/loại
- Thịt bò: 200-300 gr
- Ớt sừng trâu (cay) hoặc ớt sừng Hàn quốc (ít cay) 5 - 7 quả
- Nước mắm, đường, bột ngọt
- Các loại rau, mì ăn kèm lẩu (tùy thích)
Cách làm:
- Kim chi cải thảo cắt lấy phần gốc (khoảng 1/4 từ gốc trở lên), cho vào nấu trong nước dùng gà hoặc heo. Phần kim chi còn lại cắt khúc vừa ăn, xếp vào dĩa.
- Tùy theo khẩu vị mà có thể dùng nhiều hay ít kim chi. Nêm nước mắm, đường, bột ngọt vào nước dùng cho vừa miệng. Chú ý nêm nhạt vì khi dùng lẩu sẽ cho nước kim chi vào, nước kim chi có độ mặn.
- Các loại rau, nấm rửa sạch, để ráo, cắt miếng vừa ăn, bày ra dĩa
- Thịt gà, bò, heo rửa sạch, để ráo, cắt lát mỏng, bày ra dĩa.
- Nghêu ngâm rửa sạch cát, bày chung với thịt.
- Tôm lột vỏ hoặc để nguyên tùy ý. Cắt râu và ngạnh nếu để vỏ, bày ra dĩa chung với thịt.
- Đậu hũ non cắt miếng vừa phải, đừng cắt nhỏ, dễ bị nát khi cho vào lẩu.
(Tổng hợp)