Những múi mít thơm ngọt được chế biến thành nhiều món ăn ngon từ ngọt đến mặn. Ảnh Phương Nghi
Mít có nhiều loại. Người thích ăn loại nhão sẽ chọn mít ướt, mít tố nữ. Người chuộng mít ráo thì có mít dừa, mít nghệ, mít Thái... Mùi vị của mít chín cũng giống như sầu riêng, dù đậy hay gói kỹ vẫn tỏa hương thơm ngát. Ngọt ngon như thế nên dễ hiểu vì sao mít luôn rất được ưa chuộng, hơn cả sầu riêng vì loại trái cây “người yêu kẻ ghét” này không phải ai cũng dễ dàng thưởng thức. Thường, người ta dùng mít chín theo cách đơn giản nhất: xẻ ra và ăn ngay. Nhưng nếu biến tấu một chút, bạn sẽ thấy món ngon từ mít đâu chỉ là mít non (mít sống) mà còn có mít chín, với nhiều kiểu chế biến như nấu chè, làm cocktail, sinh tố, ăn kèm với xôi...
Xôi mít: Trong số các món ngon từ mít chín, xôi mít là món rất được yêu thích. Xôi nấu kiểu này rất đơn giản, chỉ có gạo nếp ngâm mềm, vo sạch, xóc với chút muối rồi đem hấp thành xôi, lấy ra trộn với ít nước cốt dừa và đường sau đó đem nhồi vào múi mít, rắc dừa bào, mè rang (hoặc đậu phộng) lên.
Nếu thích màu thì dùng nước lá cẩm hay lá dứa ngâm nếp, sau khi hấp xôi sẽ có màu đẹp. Để xôi ngon, nếp phải ngâm từ 8-10 tiếng, vo sạch để thật ráo, khi cho vào xửng hấp nên dàn đều, không quá dày (khoảng 5cm là vừa, nếu nếp nhiều thì dùng xửng lớn hoặc chia ra nhiều lần hấp), thỉnh thoảng mở nắp dùng đũa đảo nhẹ, hấp khoảng 30-40 phút là xôi chín.
Mít dồn xôi ngon nhất là mít nghệ, múi tròn, màu vàng ươm, thơm ngọt. Khi ăn, vị béo của xôi, dừa bào quyện đều với vị giòn sừn sựt và mùi thơm rất đặc trưng của mít tạo nên một hương vị thật quyến rũ, vừa ngon vừa lạ.
Xôi mít- món ăn vừa ngon, vừa nhiều dưỡng chất. Ảnh Phương Nghi
Cocktail mít: Không phải là rượu cocktail mà là hỗn hợp trái cây nấu nước đường. Bất kể bạn chọn trái cây nào đi kèm với mít, sự kết hợp của nhiều loại hoa quả trong một ly cocktail đều mang đến cho bạn một hương vị tuyệt vời và một nguồn dưỡng chất, nhất là vitamin, đáng kể.
Có nhiều loại trái cây có thể làm cocktail, ngoài mít còn có kiwi, thơm, dưa hấu, thanh long, sơ ri, táo, dâu, xoài, lê, chôm chôm, nhãn... Để làm cocktail mít, nên ướp đường trái cây có vị chua (thơm, sơ ri, dâu...) trước, để 15-20 phút cho đường thấm sau đó bắc lên bếp nấu sôi, thêm nước vào, nước sôi cho mít vào, để sôi lại, tắt bếp. Cocktail trái cây dùng với đá bào hoặc để nguội cho vào tủ ướp lạnh, khi ăn lấy ra.
Mùa hè- bạn có thể giải nhiệt bằng một ly cocktail mít thơm ngon. Ảnh Phương Nghi
Chè mít: Ngoài cocktail, mít còn dùng được cho những món chè nấu với bột báng nước dừa, như chè chuối, chè đậu đen, chè đậu đỏ... Do mít đã chín, lại rất ngọt nên nếu cho vào chè thì cho vào sau cùng và giảm lượng đường để chè không bị ngọt gắt.
Với những món chè thạch, như sương sáo, sương sa, hạt lựu..., thêm ít mít vào, chè sẽ thơm ngon hơn. Một món tráng miệng rất được ưa chuộng hiện nay là sữa chua mít, với các nguyên liệu đơn giản là mít, lê, hạt lựu, hạt é trộn với sữa chua, khi ăn cho đá bào vào. Cũng như cocktail, món này là sự kết hợp của nhiều loại trái cây và sữa chua nên không chỉ rất ngon mà còn giàu dưỡng chất.
Sinh tố mít: Sinh tố là thức uống được hầu hết chị em phụ nữ lựa chọn cho việc giữ gìn làn da và vóc dáng của mình. Vì là thức uống hàng ngày nên sinh tố không thể đơn điệu một loại trái cây mà phải thay đổi thường xuyên để đa dạng hương vị. Với sinh tố mít, nếu muốn thưởng thức trọn vẹn vị mít thì bạn chỉ cần xay mít với sữa tươi và sữa đặc (thêm đá bào nếu thích), trút ra uống ngay hoặc để ngăn đông làm thành món kem mít đơn giản. Để thêm hương vị, khi xay- bạn cho xoài hoặc vài giọt nước chanh vào, sinh tố sẽ có vị chua chua ngọt ngọt rất hấp dẫn.
Mít nhồi thịt hấp: Không chỉ mít sống mới nấu được nhiều món mặn, mít chín cũng có thể dùng đổi vị cho bữa cơm gia đình, với cách chế biến quen thuộc là nhồi thịt sau đó đem hấp. Cũng như những món nhồi thịt khác, nhân nhồi vào mít rất đa dạng, tùy thích dùng thịt heo, giò sống, cá thác lác, thịt bò đều được.
Thịt xay hoặc bằm nhuyễn, giò sống và cá quết dai, trộn đều với nấm mèo, nấm hương băm, hành khô, tỏi, tiêu, bột ngọt, hạt nêm, để thấm. Mít chọn loại vừa chín tới, múi to để khi hấp không bị nát, tách bỏ hạt (để nguyên múi) sau đó nhồi nhân vào, dùng tăm ghim lại, cho vào xửng hoặc lò vi sóng hấp chín. Khi hấp, vị thơm của mít sẽ thấm vào nhân, tỏa ra hương vị vừa mặn ngọt vừa béo bùi, ăn rất ngon.
Bài, ảnh Phương Nghi