Chị Hai tôi thời con gái rất siêng làm bánh, nấu nướng. Chị cứ trông chừng gần mùng 5 tháng 5 là mua nếp, lá chuối tươi, men…về “vò cơm rượu”. Chị nấu nếp, rọc lá chuối, xé vài tàu thành từng mảnh nhỏ. Nếp chín, chị vò từng viên nhỏ, bọc gọn trong mảnh lá chuối nhỏ, đặt vào chậu sành lớn, rộng miệng. Xong một lớp những viên nếp đã vò tròn trịa, chị rắc men, phủ lên trên những lớp lá chuối dày rồi tiếp tục vò nếp, bọc lại và đặt thành lớp thứ hai, rắc men, ủ lá chuối…Cứ thế cho đến khi hết nồi nếp, các viên nếp xếp đầy gần miệng chậu sành, lá chuối phủ kín mặt chậu. Mờ sáng ngày mùng 5 chị nấu xôi vò. Xôi vừa chín, chị mở những lớp lá chuối khỏi chậu cơm rượu, bắt đầu múc xôi vào từng cái chén, đổ cơm rượu vào.
Có lần chị đang vò cơm rượu, chỉ còn vài viên mà hết lá chuối. Chị tiếc rẻ vì chỉ cần miếng lá chuối bằng bàn tay thôi. Chị gọi ông anh họ tôi nhờ tìm dùm một miếng lá chuối. Ông anh vui vẻ đi lên xóm nhà thờ xin lá chuối nhưng" thòng" lại một câu:
- Thấy em không về là biết em tìm không được lá chuối nghen chị!
Chị Hai chỉ biết kêu trời. Rồi chị cũng ráng tìm mọi cách đậy kín những viên nếp cuối cùng. Chị thở phào vui vẻ. Tôi cũng chẳng còn chuyện xem dưới bếp nên bỏ lên sân thượng. Tôi reo lên khi thấy miếng lá chuối của gói xôi tôi ăn sáng nay chưa kịp bỏ. Tôi mang xuống cho chị, nhưng chị lắc đầu vì xong việc hết rồi…
Chúng tôi không chỉ có xôi vò cơm rượu cho ngày mùng 5 tháng 5. Những người bạn người Hoa của ba tôi mang biếu từng xâu pá chạng, tức bánh ú nhưn hột vịt muối, thịt, nấm, hột maron…với hương vị đặc trưng không lẫn vào đâu được của người Hoa. Mẹ tôi cũng mang về một xâu bánh ú lá tre. Xôi vò cơm rượu chị Hai làm rất ngon, nước cơm rượu thơm nhẹ, không nồng vị “ba xi đế” như những lít rượu đế bán ở tiệm chạp phô. Vậy mà ăn nhiều cũng say chứ không chơi. Có lần tôi xúc một tô xôi, chan lên trên nước cơm rượu lấp xấp, thêm mười viên cơm rượu, ăn ngọn lành. Diệt trừ sâu bọ đâu không thấy, chỉ thấy tôi ngủ từ lúc mặt trời lên đến khi mặt trời lặn, không ăn nổi pá chạng với bánh ú lá tre. Chị Tư tôi cảnh báo:
- Đó là rượu chứ có phải chè đâu. Vậy cho bỏ tật mê ăn!
Chị Hai lấy chồng, không còn thời gian làm xôi vò cơm rượu như trước nữa. Thời bao cấp, đất nước còn khó khăn, mùng 5 tháng 5 không còn ai biếu pá chạng cũng chẳng có tiền mua một cái bánh ú lá tre. Rồi kinh tế phát triển, gia đình chúng tôi ai cũng có việc làm, ngày mùng 5 tháng 5, tôi đi dọc đường Điện Biên Phủ để mua từng bọc xôi vò, cơm rượu về cả nhà ăn, nhưng tất cả đều thất vọng: xôi và cơm rượu thua xa chị Hai tôi làm. Tôi và ông anh đi “lùng” pá chạng trong Chợ Lớn, rồi cũng ra về thất vọng. Pá chạng chúng tôi mua chỉ là loại bánh ít nhưn thịt chứ không phải pá chạng đặc sản người Hoa ngày xưa. Hình như chỉ người Hoa mới biết đầu mối mua pá chạng “chính hiệu Chợ Lớn” mà thôi.
Đứa con gái lớn của chị Hai không “chịu thua”. Cứ đến mùng 5 tháng 5 nó lùng sục ở đâu không biết mang về một xâu pá chạng. Chúng tôi ăn cũng “tạm chấp nhận” dù vị không ngọn như thời chúng tôi còn bé.
Sắp bước qua bên kia đồi của cuộc đời, đến mùng 5 tháng 5 chúng tôi vẫn náo nức tìm nơi đặt mua pá chạng, xôi vò cơm rượu. Sáng mùng 5, chúng tôi cùng chia nhau những xâu bánh ú lá tre. Căn nhà lớn của mẹ không còn trống trãi khi chị Tư mang cho mẹ những bọc xôi, những hũ cơm rượu được đặt làm bởi những người thợ lành nghề, cái bánh pá chạng to đùng do cháu lớn, con chị Hai gởi hay từng xâu bánh mà những đứa cháu khác gởi.
Có khi chúng tôi quây quần ăn cùng nhau bên mâm “đặc sản” ngày mùng 5 tháng 5. Có lúc chỉ mình tôi và mẹ vì mọi người ai cũng bận bịu trong vòng xoáy cơm áo. Những khi như vậy tôi nhớ làm sao mấy chục năm về trước, ở cái tuổi chỉ “biết mê món xôi vò cơm rượu” đến say mèm, hình ảnh chị Hai cùng người giúp việc vò từng viên cơm rượu đặt vào chậu đất. Cùng hình ảnh ba tôi và bạn bè người Hoa của ông ngồi với nhau nơi phòng khách, bên mâm pá chạng, cơm rượu…vui vẻ kể về những ngày xưa xa nữa, khi họ còn rất trẻ….
NGUYỄN NGỌC HÀ