Có một điều, rau dớn chỉ thích hợp với môi trường hoang dã, nên dù đào cả bụi về trồng ở vườn nhà, cất công chăm sóc đến mấy, chúng cũng không thể sống được.
Vào khoảng tháng chín, tháng mười, đi vào rừng, dọc theo các khe suối sẽ thấy một màu xanh ngăn ngắt của dớn rừng vì đây là mùa sinh sôi và phát triển của nó. Nếu hái được dớn rừng nhiều quá ăn không hết, có thể phơi khô để dành nấu nước uống giải nhiệt.
Rau dớn trộn tôm thịt - Ảnh: N.V.Học
Rau dớn hái về còn tươi xanh mà luộc lên chấm với mắm cái thì không gì đậm đà và thú vị bằng.
Trước khi luộc, nên ngâm rau với nước muối pha loãng để tiệt trứng côn trùng bám vào lá. Không nên luộc quá chín, rau sẽ bị nhũn, mất đi hương vị của nó. Do vậy khi nước vừa sôi lên, nhanh tay cho rau vào đảo đều rồi vớt ra ngay để ráo, lúc này rau sẽ có một màu xanh rất bắt mắt.
Một cách chế biến rau dớn khác cũng khá ngon là trộn tôm thịt. Dùng tôm sông và thịt heo ba chỉ xắt hạt lựu ướp với hành tím băm nhỏ, nước mắm, bột ngọt, tiêu trộn đều lên khoảng vài phút. Sau đó phi hành lên thật thơm rồi cho tôm thịt vào xào chín.
Rau dớn trước khi trộn cũng cần luộc sơ qua. Khi thịt tôm đã chín và thấm đều gia vị, cho rau vào chảo đảo đều. Trước lúc mang lên bàn ăn, để món rau rừng hấp dẫn và thơm ngon hơn, rắc lên trên bề mặt ít đậu phộng rang.
Giờ đây, mỗi lần về quê nhìn thấy bên mâm cơm có đĩa rau dớn rừng, lòng bồi hồi xúc động nhớ lại những chiều theo mẹ đi hái củi và khi về lủng lẳng trong tay một bó rau xanh rờn, thấy cuộc đời thật ý nghĩa biết bao. Với tôi rau dớn không chỉ là món ăn mà còn là hình ảnh mang đầy kỷ niệm.