Từ những nguyên liệu quen thuộc, dân dã trong vườn nhà như củ sen, mận, sắn dây, xoài, bí… chuyên gia ẩm thực Hồ Thị Hoàng Anh mong muốn được chia sẻ với tất cả mọi người một vài món mứt ngon miệng và đặc biệt hấp dẫn trong dịp Tết đến Xuân về.
Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống nấu ăn, lại chịu nhiều khuôn phép từ nhỏ về cái gốc của “Công-dung-ngôn-hạnh” chuyên gia ẩm thực Hồ Thị Hoàng Anh sớm thừa hưởng được cái gen làm bếp để nối nghiệp tổ tiên. Với tình yêu dành cho ẩm thực Việt nói chung và cố đô Huế nói riêng, cô luôn mong muốn thực hiện được ước mơ tìm kiếm và phục dựng lại những món ăn cổ của cung đình để giới thiệu đến bạn bè khắp nơi. Ngoài những món ăn, trò chơi, vật phẩm truyền thống trong ngày xuân được cô phục dựng và giới thiệu thành công ở phiên chợ Gia Lạc tại Pháp, Đức, thành phố Hồ Chí Minh… lần này, chuyên gia ẩm thực Hồ Thị Hoàng Anh còn muốn giới thiệu đến bạn bè khắp nơi những món mứt phổ biến trong dân gian vào dịp Tết cổ truyền của người Việt như mứt sắn dây, mứt mận, mứt xoài…
Một chút khéo léo, tỉ mỉ với những nguyên liệu quen thuộc, gần gũi, chị em nội trợ đã có thể làm nên những món mứt tuyệt ngon. Đối với mỗi loại mứt lại có một cách chọn lựa, sử dụng nguyên liệu khác nhau. Nếu như làm mứt xoài bạn nên chọn những trái xoài vừa chín tới. Xoài chín quá, khi rim sẽ bị nhão và mứt không được khô, hương vị cũng không được đặc biệt. So với mứt hạt sen thì mứt củ sen ít người làm hơn. Để làm mứt củ sen nên lựa chọn những củ đã gài, khi ăn sẽ có độ bùi. Sau khi mua về, gọt sạch lớp vỏ bên ngoài, luộc chín, rồi mang đi rim với nước đường cho thấm là được. Đầu xuân, thưởng thức món mứt củ sen bên chén trà thanh tao, nghe hương vị quê nhà thấm đẫm trong từng miếng mứt.
Nếu như mứt mận, mứt xoài, mứt củ sen, mứt sắn sây rất ít người làm trong dịp Tết thì ngược lại, mứt bí đao lại là loại mứt phổ biến trong khay mứt chiêu đãi khách. Ngày nay, để làm mứt người ta thường cắt bí thành từng thỏi nhỏ, dài như đầu đũa. Còn ngày xưa, nơi chốn cao quý thì mứt bí được cắt thành khối lớn như quân cờ. Mặc dù, cách chế biến thành từng miếng lớn mang lại cảm giác ngán cho người ăn nhưng sau Tết, đây lại là nguyên liệu rất hữu dụng cho các loại bánh khác như bánh bó, bánh gấc, bánh pía… Khi đó mứt bí sẽ được cắt thành hạt lựu, trộn lẫn với các nguyên liệu khác. Khi cắn một miếng bánh, vị giòn giòn, sần sật của bí khiến người ăn thấy rất thú vị.
Mỗi loại mứt một hương vị sẽ góp phần mang đến cho mâm cỗ những ngày đầu xuân thêm nhiều sắc màu tươi đẹp, thơm ngon, hấp dẫn hơn.
Mứt bí đao
Nguyên liệu:
1 kg bí đao già
1,2 kg đường
1 ống vani
1/4 thìa cà phê vôi
1/4 cà phê phèn chua
Cách làm:
Bí đao rửa sạch, gọt vỏ, bỏ ruột xắt miếng lớn như hạt diêm hoặc quân cờ. Cho vôi vào 1 lít nước, lóng lấy nước trong, cho bí đao vào ngâm trong khoảng 4-5 tiếng. Vớt bí ra, xả lại với nước lạnh cho sạch.
Pha phèn chua với nước, đun sôi. Cho bí đao vào luộc sôi, đổ ra rổ thưa, xả lại nước sạch, để ráo.
Cho đường vào nồi, sên cho đường tan, trút bí vào rim trên lửa nhỏ cho bí khô lại. Trút bí vào khay lớn, rải đều, đem phơi dưới nắng lớn để bí được trắng, trong.
Cho bí đã luộc vào nồi rim trở lại, đến khi bí khô, trong là được. Đổ vani vào, đảo đều, tắt bếp.
Cho mứt bí vào hũ thủy tinh, đậy kín nắp, khi ăn lấy ra dùng dần.
Mách nhỏ: Bí đao để làm mứt nên chọn loại bí già. Nên chọn thời điểm có nắng để làm mứt vì sau khi sên với đường xong, nên phơi mứt bí dưới nắng lớn để mứt được trắng trong.
Mứt sắn dây
Nguyên liệu:
1 kg củ sắn dây
1kg đường trắng
1 ống vani
Cách làm:
Sắn dây rửa sạch, cắt bỏ phần đầu, cho vào nồi nước bắc lên bếp luộc chín, vớt ra để nguội, gọt bỏ vỏ. Thái sắn dây thành từng lát dày khoảng 2-3cm.
Cho đường vào nồi với một ít nước lạnh, sên cho đường tan hết, sau đó trút sắn dây đã luộc chín vào rim cho sắn khô cứng lại, đường bám đều vào miếng sắn. Khi sắn gần được thì cho vani vào xóc đều, tắt bếp
Cho sắn vào khay cạn, rải đều cho ráo, để nguội. Cho sắn vào trong hũ đậy kín nắp, khi ăn lấy ra dùng dần.
Mách nhỏ: Sắn dây còn gọi là sắn cơm, có vị bùi bùi, ngọt ngọt. Nên chọn loại sắn vừa để làm mứt, không chọn loại quá già, khi ăn sẽ nhiều xơ.
Mứt củ sen
Nguyên liệu:
1kg củ sen
1kg đường cát trắng
1 ống vani nhỏ
Cách làm:
Củ sen rửa sạch, gọt vỏ, cắt khoanh tròn dày khoảng 2 -3 cm. Ngâm củ sen đã cắt vào nước đá lạnh cho sen không bị thâm đen. Đun sôi nước, cho củ sen vào luộc chín, vớt ra, để ráo nước, cho đường vào nồi, sên cho đường tan đều, hơi sệt lại, trút củ sen đã luộc vào rim cho tới khi bề mặt sen thấm đều nước đường, mứt sen khô, ráo. Đổ vani vào đảo đều, tắt bếp.
Rải đều mứt sen vào khay cạn, hong cho mứt sen khô lại
Cho mứt sen vào hũ thủy tinh, khi ăn lấy ra dùng dần.
Mách nhỏ: củ sen nên chọn loại củ già. Khi sên đường mở lửa nhỏ để đường không bị cháy và thấm đều vào trong mứt, cho tới khi mứt khô, đường phủ kín mặt mứt là được
Mứt mận (roi)
Nguyên liệu:
1kg mận
1 kg đường cát trắng
1 ống vani
500ml nước
Cách làm:
Mận rửa sạch, xẻ đôi, cắt bỏ phần cuống và lõi ở giữa. Luộc xơ, vớt ra để ráo
Đun sôi 1 ít nước, cho đường vào sên cho đường tan đều, đổ mận vào rim trên lửa nhỏ trong khoảng 30 phút, khi mận ráo, thấm đường, cho vani vào, đảo đều, tắt bếp.
Cho mứt mận vào khay lớn, hong cho ráo, xếp vào hũ thủy tinh, đậy kín, khi ăn lấy ra dùng dần
Mách nhỏ: Mận làm mứt chọn mận chín, không bị sâu, trước khi luộc nên ngâm nước muối loãng khoảng 30 phút cho sạch
Mứt xoài
Nguyên liệu:
1 kg xoài
800g đường
1 ống vani
Cách làm:
Xoài gọt vỏ, bỏ hạt, phần thịt xoài thái thành lát dài, rửa nhẹ tay qua nước sạch cho hết mủ
Cho đường vào rồi sên với một ít nước cho đường tan hết. Cho xoài vào nước đường rim cho xoài sệt lại, dùng vá múc nước đường tưới nhẹ lên xoài. Khi miếng xoài trong, vàng đều là được. Cho tiếp vani vào hỗn hợp xoài, đảo đều, tắt bếp
Cho xoài vào khay cạn, rải đều cho xoài ráo nước, cho xoài vào hũ để dùng dần
Mách nhỏ: Xoài không chọn loại xanh hay chín quá mà nên chọn loại xoài chín vừa để khi làm mứt xoài trông đẹp mắt và ăn ngon hơn, khi đảo nhớ nhẹ tay để miếng xoài không bị nát, gãy.