Bên cạnh thịt, tôm, cá thì mực có thể được xem là nguyên liệu chủ chốt, được yêu thích của thực đơn gia đình Việt. Với mực, người nội trợ có thể chế biến nhiều món ngon, linh hoạt theo nhiều phương thức từ hấp, luộc, chiên, nướng, trộn gỏi đến thả sống vào lẩu. Không chỉ đa dạng trong chế biến, mực còn được yêu thích trước nhất bởi vị ngon ngọt, lành tính của nó.
Do chế biến nhanh gọn nên mực thường được chọn làm món nhắm cho quý ông lai rai trước khi vào món chính. Những cách chế biến được ưa chuộng là hấp, nướng, trộn gỏi. Gỏi mực không quá khó để làm và làm cũng rất nhanh, tuy vậy, nếu muốn trở thành món “đinh” cũng đòi hỏi người nấu không ít dụng công.
Nguyên liệu trước nhất cho gỏi mực là mực ngon. Mực để làm món này có thể là mực lá hoặc mực ống, nhưng tuyệt nhiên phải là mực tươi. Với mực ống, người ta thường làm sạch, hấp với gừng đập giập cho ngọt thịt rồi đem thái khoanh. Nếu là mực lá, mực thường được cắt đôi, rửa sạch rồi khía vài đường mắc võng trên mình trước khi cắt miếng vừa ăn để thấm gia vị và trông đẹp mắt hơn. Trong khi sơ chế, các bà nội trợ thường tiện tay bắc lên bếp hỗn hợp nước, giấm, đường để chần mực cho săn, dậy hương. Để mực sau khi chần hoặc hấp giòn ngon, người ta thường vớt mực ngâm, rửa trong một bát nước lạnh rồi vớt ráo. Rửa bằng cách này mực sẽ không bị nhạt mà ăn còn gion giòn sừn sựt.
Để các nguyên liệu hòa quyện, không chỉ mực, rau củ cho món gỏi cũng cần sơ chế và tẩm ướp khéo léo. Với dưa leo, tùy vào sở thích mà có thể để hoặc gọt vỏ đều được, nhưng phải nhớ cắt bỏ phần đầu để không dính nhựa đắng. Cà rốt thì đem thái sợi và ngâm trong hỗn hợp giấm đường trong 30 phút cho giòn. Dưa leo sau khi bổ dọc, bỏ ruột sẽ được thái sợi mỏng, bóp cho ra bớt nước và cho vào hỗn hợp ngâm cùng cà rốt.
Gỏi mực (và các loại gỏi khác) thường ra nước nên khi nào gần ăn mới trộn. Các nguyên liệu như rau củ, ớt sừng thái sợi, rau thơm, rau răm thái nhuyễn, mực và một nửa phần nước trộn gỏi hòa trộn từ đường, nước mắm, giấm, chanh tươi sẽ được cho vào thau trộn đều, nêm nếm vừa miệng. Nếu muốn món gỏi có thêm vị thanh, cay, dậy hương, có thể cho thêm hành tây, ớt chuông thái sợi cùng vài muỗng dầu tỏi, tỏi phi vào. Sau cùng cho mè rang và phần nước trộn còn lại vào trộn đều.
Vị tinh tế của mực hấp gừng sẽ hòa trộn cùng độ giòn ngọt, thấm vị của rau củ và nước trộn đậm đà, làm nên một món ngon vô cùng hấp dẫn. Không chỉ đưa đẩy trong hương vị, món ăn này còn lôi cuốn bởi sắc màu rực rỡ của nguyên liệu, khiến cho người ăn không thể ngừng đũa.
theo phunuonline