Nỗi lo từ các bà mẹ
Chị T. Ngân, ngụ Q. Bình Thạnh (TP. HCM) có bé gần tròn 6 tháng tuổi bày tỏ băn khoăn: “Không hiểu sao ban đêm bé nhà mình ngủ rất hay ra mồ hôi. Khi mới sinh, bà ngoại đã mua gối vỏ đậu để bé nằm đỡ ra mồ hôi nhưng đêm con nằm, gối vẫn ướt đẫm. Ban ngày mở quạt nhưng cứ bú một lúc, mồ hôi lại lấm tấm trên trán. Không biết có phải do thân nhiệt con bé nóng quá hay không nữa!”.
Đem băn khoăn hỏi những người xung quanh, chị nhận được nhiều ý kiến chia sẻ khác nhau, người nói bé bị thiếu canxi, người kêu chị ủ con kín quá… Mỗi người một ý kiến bà mẹ trẻ càng băn khoăn.
Chị Phương Anh (Q.2, TP. HCM) có cậu con trai khá bụ bẫm được 3 tháng cũng gặp tình trạng tương tự. Chị cho biết dù đã phơi nắng bé từ lúc được 2 tuần, sáng nào cũng cho phơi nắng đều đặn nhưng đêm ngủ là mồ hôi bé ra ướt đẫm. “Bế con bú mà mồ hôi sau gáy con ra ướt hết tay, không biết làm thế nào cho hết tình trạng này?”, chị lo lắng. Đây cũng là mối quan tâm của không ít bà mẹ khác.
Nhiều trẻ sơ sinh thường hay mắc chứng ra mồ hôi nhiều, nhất là ban đêm (Ảnh minh họa)
Vì sao trẻ hay ra mồ hôi trộm?
Không khó gặp tại các phòng khám trẻ em, câu hỏi các bác sĩ thường gặp bên cạnh những vấn đề như: “cháu hay bị khò khè”, “cháu cao và cân nặng như thế này có nhỏ?”… luôn là: “sao đêm cháu ngủ ra mồ hôi nhiều quá”.
Theo các bác sĩ Nhi, việc trẻ sơ sinh hay ra mồ hôi khá phổ biến và điều này được giải thích là do hệ thần kinh thực vật của trẻ lúc này chưa ổn định, đang trong giai đoạn phát triển hoàn thiện.
Chính vì vậy, trẻ ra mồ hôi nhiều. Mặt khác, việc ra mồ hôi cũng phụ thuộc vào sự điều hòa của hệ thần kinh. Rối loạn hệ thần kinh thực vật, hệ giao cảm cũng sẽ khiến trẻ ra mồ hôi nhiều hơn.
Thêm một nguyên nhân khiến trẻ ra mồ hôi nhiều được các bác sĩ cho biết đó là thiếu vitamin D. Các bé sinh sớm, thiếu cân, bị rối loạn tiêu hóa kéo dài cũng thường thiếu vitamin D. Thiếu vitamin D, trẻ hay ramồ hôi trộm, bứt rứt, ngủ không yên, hay giật mình. Giai đoạn này, hệ xương của trẻ phát triển mạnh, chính vì vậy cần bổ sung canxi cho trẻ.
Các bác sĩ thường cho trẻ uống thêm vitamin D và khuyên các bà mẹ nên thường xuyên phơi nắng con để bổ sung vitamin D cho bé.
Mặt khác, nguyên nhân khách quan khiến trẻ ra mồ hôi nhiều còn do cha mẹ, những người chăm bé gây ra. Việc ủ ấm bé quá cũng khiến bé nóng nực mà ra mồ hôi nhiều. Nhiều bà mẹ hay quấn con quá kỹ trong khăn, trẻ ngủ lại chặn nhiều chăn gối xung quanh khiến bé ngột ngạt, nóng bức. Phòng ngủ đóng bít cửa trong thời tiết nắng nóng như hiện nay cũng có thể khiến bé khó chịu.
Khắc phục chứng ra mồ hôi ở trẻ
Nếu trẻ ra mồ hôi nhưng vẫn ăn ngủ, sinh hoạt bình thường, cha mẹ có thể không cần quá lo lắng, chỉ cần lau khô cho bé, để ngủ thoáng mát là được. Mẹ nên lấy khăn khô lau lưng và đầu bé. Nếu không lau khô, mồ hôi ra nhiều có thể sẽ thấm ngược trở lại vào cơ thể khiến bé dễ bị nhiễm lạnh.
Cha mẹ cũng cần chú ý luôn giữ cho trẻ được thoáng mát để khắc phục chứng mồ hôi trộm (Ảnh minh họa)
Với trẻ ra mồ hôi, đêm ngủ bứt rứt khó chịu, quấy khóc do thiếu vitamin D, cha mẹ cần bổ sung ngay cho trẻ bằng cách tắm nắng hoặc uống thêm vitamin D theo chỉ định của bác sĩ.
Cha mẹ cũng cần chú ý luôn giữ cho trẻ được thoáng mát. Phòng ngủ của bé nên thông thoáng, quần áo chất liệu nhẹ nhàng. Chỗ chơi của bé cũng cần mát mẻ, nên hạn chế đưa bé ra ngoài trời nắng nếu không cần thiết.
Ngoài ra, nếu trẻ ra nhiều mồ hôi, cha mẹ cũng cần chú ý tắm rửa, lau mát người cho bé để tránh rôm sảy, trẻ bứt rứt khó chịu trong người.
Phơi nắng cho trẻ đúng cách
Phơi nắng giúp bé bổ sung thêm canxi, vitamin D nhưng phơi nắng thế nào để cơ thể bé hấp thu được tốt nhất? Nhiều người vẫn cho con đi phơi nắng đều đặn nhưng hiệu quả lại không cao, đó hoàn toàn do cha mẹ chưa biết cách phơi nắng cho con sao cho khoa học. Khi phơi nắng, cha mẹ cần chú ý những điều như sau:
- Mẹ nên tắm nắng cho bé đều đặn. Ánh nắng tốt nhất là lúc trước 8 giờ sáng (thường từ 6g30 – 7h30). Vào mùa đông, việc tắm nắng cho bé có thể diễn ra chậm hơn, vào khoảng 9 – 10 giờ. Thời lượng tắm nắng khoảng 15 – 30 phút.
- Nên chọn nơi tắm nắng ít gió lùa để tránh bé bị nhiễm lạnh – như bạn biết đấy, hệ hô hấp của trẻ lúc này còn khá yếu.
- Hãy để da bé tiếp xúc với ánh nắng càng nhiều càng tốt. Cha mẹ nên kéo áo lên phơi để da bé hấp thu được ánh nắng tốt nhất.
- Khi phơi nắng, chú ý cần tránh không để ánh nắng chiếu trực tiếp vào mắt, đầu bé vì tia cực tím khá mạnh có thể khiến não, mắt bé bị tổn thương.
- Hãy để các bộ phận cơ thể trẻ lần lượt tiếp xúc với ánh nắng. Ba mẹ có thể phơi lần lượt từ lưng, bụng, chân…