Hầu hết các sản phẩm sữa cùng chủng loại có giá trị dinh dưỡng và thành phần tương đương nhau. Có bé dùng sữa A thấy rất tốt, người mẹ khác thấy vậy cũng mua cho con mình thì chưa chắc đã tốt vì mỗi cơ thể có khả năng tiêu hóa, hấp thu khác nhau, mỗi bé có khẩu vị, sự vận động, bệnh lý khác nhau. Vì vậy, sữa tốt nhất là loại sữa phù hợp với đứa con của mình nhất.
Phù hợp với độ tuổi: Bé dưới 6 tháng dùng sữa công thức 1, trên 6 tháng dùng sữa công thức 2; trên một tuổi có thể dùng đa dạng hơn, gồm sữa tươi, sữa bột công thức 3, sữa đậu nành…
Theo phó giáo sư – tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm (Viện phó Viện dinh dưỡng quốc gia), sữa mẹ là lựa chọn tốt nhất cho bé. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó mà bé không thể bú sữa mẹ thì khi chọn sữa cho con bé, các mẹ cần đảm bảo rằng loại sữa công thức mà mình chọn không chỉ giúp bé phát triển tốt về thể chất, mà còn cần cho phát triển trí não và hệ miễn dịch.
Ngoài đạm, đường, chất béo và các vitamin, khoáng chất thiết yếu, chúng ta cần quan tâm đến một số dưỡng chất bổ sung đặc biệt như Choline, DHA, ARA, Beta-Glucan, Prebeotic... |
Phù hợp tình trạng dinh dưỡng: Bé thiếu tháng, nhẹ cân nên uống các loại sữa premature năng lượng cao để nhanh chóng bắt kịp đà tăng trưởng. Bé trên ba tuổi béo phì nặng hoặc béo phì trên 6 tuổi thì dùng sữa ít béo hay sữa không béo.
Phù hợp với kinh tế của gia đình: Một bé bú sữa ngoài hoàn toàn trong tháng đầu đời cần khoảng 4-6 hộp 400gr; sau đó, lượng sữa sẽ ngày tăng rất nhanh. Bé lớn mỗi ngày cần khoảng 400-600ml sữa. Do đó, chi phí cho việc mua sữa của bé mỗi tháng cũng cần được tính trong ngân sách thu chi của gia đình.
Lưu ý: Sau khi xem xét ba tiêu chí trên để chọn sữa, bạn đã có thể mua thử cho bé một loại sữa nào đó. Sau đó chính bé sẽ "quyết định" có nên uống tiếp sữa đó không dựa vào thực tế có hợp hay không.
Nếu xuất hiện các triệu chứng bệnh lý có liên quan đến việc dùng sữa như dị ứng, tiêu chảy kéo dài, tắc mật, trào ngược, táo bón...thì cần tư vấn ở bác sĩ dinh dưỡng.
Cách kiểm tra sữa kém chất lượng
Cho một thìa sữa bột ra cốc và đổ nước nguội vào. Sữa bột tốt sẽ nổi lơ lửng, không tan nếu chưa khuấy lên. Trong khi sữa bột kém chất lượng (hoặc sữa giả) lại lắng xuống đáy và tan nhanh dù chưa hề khuấy.
Hoặc cho một thìa sữa bột ra cốc rồi đổ nước sôi vào, sữa tốt sẽ nổi lơ lửng và vón lại nếu chưa khuấy lên; trong khi sữa bột kém chất lượng thì tan ngay và không còn màu sắc tự nhiên của sữa.
Lưu ý khi đổi sữa cho bé
Việc quyết định đổi sữa cho con cần cân nhắc về nhiều mặt: tuổi, tình trạng dinh dưỡng, bệnh lý, sự dung nạp và thích ứng của mỗi cơ thể bé với những loại sữa khác nhau.
Dưới đây là những lời khuyên của bác sĩ Đào Thị Yến Thuỷ:
Cách đổi sữa phù hợp:
- Bé dưới 6 tháng, nếu muốn đổi sữa (vì bé bú ít, không lên cân hay bị táo bón nhiều, ọc sữa nhiều, đi tiêu phân không tốt…) thì đổi sang nhãn hiệu sữa khác nhưng vẫn phải thuộc nhóm công thức 1, vì chức năng thận còn non yếu của bé chỉ phù hợp với lượng chất đạm trong sữa công thức 1.
- Bé bắt đầu tròn sáu tháng thì phải đổi sang sữa công thức 2 của cùng nhãn hàng của loại sữa đã sử dụng trước đó, vì lúc này chức năng thận của bé tốt hơn nhiều và thích nghi được với sữa công thức 2 giàu đạm hơn tương ứng với nhu cầu đạm gia tăng ở bé lớn.
- Bé trên một tuổi có thể dùng nhiều loại sữa khác nhau trong ngày.
Khi đổi sữa cần lưu ý: Tác động của một loại sữa đối với từng bé không phải chỉ một ngày hay hai ngày là thấy ngay. Sau khi đổi sữa một thời gian tối thiểu là hai tuần thì mới có thể tạm đánh giá loại sữa đó có phù hợp với bé không.
Đối với bé còn nhỏ, không nên đổi sữa thường xuyên vì cơ thể bé phải có một thời gian để thích ứng với loại sữa đó để có được sự tiêu hoá hấp thu tốt nhất. Mỗi loại sữa có thể tự tạo ra những môi trường vi sinh đường ruột khác nhau. Khi đổi sữa sẽ làm thay đổi hệ vi sinh đường ruột, làm ảnh hưởng vấn đề tiêu hoá hấp thu sữa và thậm chí các loại thức ăn khác.
Ngoài ra, nếu mùi vị của sữa được bé chấp nhận, chịu bú, sử dụng trong một thời gian thấy bé tăng cân tốt, không dị ứng, đi tiêu phân tốt... thì nó phù hợp với bé và nên duy trì, không cần đổi sang loại đắt tiền hơn.
Cũng không nên quá e ngại việc đổi sữa khi cần thiết, ví dụ như lứa tuổi lớn, bé bú sữa bị tiêu chảy hay táo bón thường xuyên, phân xấu, bé bú quá ít không lên cân… chỉ cần lựa chọn một loại sữa phù hợp tuổi, nhãn hiệu tin cậy, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giá cả phù hợp với kinh tế gia đình… và sau đó cho bé uống thử, theo dõi vấn đề tiêu hoá hấp thu và sự phát triển của bé để xác định sự phù hợp.
Khi đổi sữa, bạn có thể đổi sang sữa mới ngay lập tức mà không cần có giai đoạn chuyển tiếp. Nếu bé vẫn thích nghi được, uống sữa mới bình thường giống như sữa trước đó, đạt mục tiêu tăng cân, tăng cao tốt…, vậy thì việc đổi sữa đó là thành công. Trong trường hợp bé bú (uống ít hơn), rối loạn tiêu hoá, không tăng cân… thì cần phải có giai đoạn chuyển tiếp: Tiếp tục uống sữa cũ nhưng bớt đi một cữ mà thay bằng một bữa bú sữa mới; sau đó mỗi 5–7 ngày ta thay thêm một bữa bú sữa cũ bằng sữa mới cho đến khi có thể thay thế hoàn toàn, để cơ thể có thời gian thích nghi dần.
Không nên pha sữa cũ và sữa mới chung với nhau trong một bình sữa cho bé bú, vì độ thẩm thấu của mỗi loại sữa có thể khác nhau làm bé dễ bị rối loạn tiêu hoá.
Điều rất quan trọng là cần biết rõ những trục trặc của bé là do sữa hay là do uống thiếu nước, do thức ăn đặc không phù hợp; cơ thể bé dị ứng, không dung nạp... Nếu đã thay đổi 2-3 loại sữa mà vẫn không đạt mục tiêu mong muốn thì hãy nghĩ đến rắc rối không phải do sữa mà là do nguyên nhân khác.