Vịt Lớn luôn khiến người khác tin tưởng vì vẻ ngoan ngoãn của mình còn Vịt Bé lại ngang ngạnh, khó bảo và không chịu nghe lời. Vì vậy, bất cứ ai muốn 'nhờ vả' hay đề cập ý kiến gì với Vịt Bé đều phải trải qua một khâu quan trọng, đó là làm thế nào để thuyết phục được cu cậu. Nghĩa là dù một việc nhỏ, muốn có sự hợp tác của Vịt Bé, tôi hay mọi người trong nhà đều phải nghĩ ra các lý lẽ hợp với một đứa trẻ con để 'dụ dỗ'. Đồng thời luôn có thái độ và hành vi dứt khoát để giải quyết sự việc.
Vịt Bé là đứa trẻ cá tính và ngang ngạnh, vì thế, để dạy con tôi đã khá 'kỳ công'. (Ảnh minh họa).
Ví như, Vịt Bé thích đi chơi với mẹ. Thỉnh thoảng, khi tụ họp bạn bè, tôi cho Vịt Bé đi cùng. Vừa vào quán, khi người lớn trò chuyện và uống café thì Vịt Bé nhanh chóng “giải quyết” ly kem to. Kế đó, cu cậu nói “Mẹ ơi, mình đi chơi xong rồi, bây giờ về nhà đi thôi.”
Một khi Vịt Bé đã đòi về nhà, nó sẽ nghĩ ra đủ cách: nào là kéo áo mẹ, nào là nghịch ngợm để ngắt quãng câu chuyện của người lớn, nào là khóc đòi về…
Ban đầu chưa có kinh nghiệm, tôi cũng bắt đầu bằng việc nịnh nọt, gọi thêm cho con món ăn khác để giữ chân cu cậu, hứa hẹn sẽ cho Vịt Bé thứ gì đó mà cậu thích để “hối lộ”.
Tuy nhiên, “được đằng chân lân đằng đầu”, mẹ càng chiều thì Vịt Bé càng hoành hành tai quái. Kết quả là tôi và mấy người bạn đành phải chia tay để cho con làm theo ý của mình.
Sau vài lần như vậy, tôi rút kinh nghiệm. Lần sau vẫn cho Vịt Bé đi theo, nhưng trước khi đi thì có một cuộc trò chuyện nghiêm túc. Tôi giao hẹn là nếu đi cùng thì phải ngoan, sau khi ăn kem thì có thể chơi đồ chơi mang theo và không được đòi về giữa chừng. Thái độ của tôi trong cuộc trò chuyện ngắn với Vịt Bé khá rõ ràng và dứt khoát. Và thay vì hẹn với các bạn, để đỡ phiền và có dịp “xử lý” tính ương ngạnh của Vịt Bé, chỉ có tôi cùng con đi đến quán café .
Tất nhiên Vịt Bé nghe xong quên phắt và đến nơi lại giở bài cũ ra để vòi vĩnh mẹ cho về. Lần này thay vì dỗ dành, gọi món ăn mới, năn nỉ con như mọi khi thì tôi nói “Khi đi mẹ đã nói ta cùng đi và cùng về. Nay con đòi về trước thì cứ đi đi. Bây giờ con tự về. Mẹ vẫn tiếp tục ở đây. Con đi bộ về nhà đi… ”
Nói xong tôi làm bộ chuẩn bị giúp Vịt Bé tự ra về một mình.
Thấy mẹ có vẻ cương quyết, Vịt Bé lăn ra khóc ăn vạ. Tôi điềm tĩnh nhìn Vịt Bé khóc và nói: “Mẹ thấy con khóc khi không đồng ý với mẹ là tốt. Nhưng khóc thế hơi bé, cần khóc to hơn. Hay là mẹ khóc phụ với Vịt Bé nhé".
Nói là làm, tôi liền giả bộ nhăn mặt và kêu khóc y chang điệu của Vịt Bé. Con càng khóc to thì mẹ cũng làm bộ khóc to hơn; con khóc bé thì mẹ làm bộ khóc bé đi… Đúng là phải đấu trí với Vịt Bé. May là quán vắng nên sự ồn ào của hai mẹ con cũng không làm ảnh hưởng đến ai cả.
Thấy mẹ không sợ thái độ ương bướng của mình, Vịt Bé nín dần và ngoan ngoãn ngồi chơi. Khi đó tôi mới ôm con vào lòng và nói “Con đã hứa sẽ ngoan khi cùng đi chơi với mẹ là phải giữ lời hứa. Nếu con đi một mình thì mới có thể thích về lúc nào thì về chứ.”
Từ đó trở đi, khi đi chơi cùng mẹ, nếu đi cùng, Vịt Bé biết chắc rằng sẽ chỉ được về khi hết thời gian hai mẹ con cùng cam kết với nhau và không vòi vĩnh mẹ nữa.
Từ việc dạy Vịt Bé, tôi thấy rằng để xử lý thái độ ương bướng của một đứa trẻ cá tính không đơn giản. Một là, bạn cần ủng hộ và tôn trọng cá tính của con, mặc dù nó có thể sẽ làm bạn khó chịu. Bạn hãy học cách đứng về cái con muốn với phương pháp nhẹ nhàng nhưng cứng rắn, đủ để cho trẻ thấy rõ cái lợi và cái hại của việc làm theo ý muốn của nó. Khi đã thấy đủ lợi và hại, trẻ sẽ có quyết định của chính mình và quyết định đó sẽ thay đổi thái độ và các hành vi ương bước trước đó .
Tất nhiên, dạy trẻ ương bướng có cái khó là mẹ phải kìm nén không để cảm xúc thương con lấn lướt. Thêm vào đó là sự kiên nhẫn để thuyết phục con. Không phải người mẹ nào cũng có thể 'lạnh lùng' thực hiện theo phương cách của tôi khi con đang khóc đòi làm theo ý mình. Tôi nghiệm thấy là trong nhiều trường hợp, vai trò của người cha trong việc này sẽ trở nên hiệu quả hơn rất nhiều. Vì thế, bạn nên hợp tác với cha của bé khi cần dạy một đứa bé có cá tính. Bất cứ đứa trẻ nào cũng cần sự yêu thương và dịu dàng của mẹ cũng như sự nghiêm khắc và khuôn phép kỷ luật của cha. Điều này sẽ giúp cho con lớn lên có sự cân bằng và hài hòa trong phát triển nhân cách.