Các bác sĩ cho biết, những “kế sách” sau của phụ huynh rất nguy hiểm cho sức khỏe và sinh mạng của bé:
- Bịt mũi cho bé uống: Với suy nghĩ đơn giản khi bịt mũi bé sẽ há miệng để thở, tranh thủ lúc này đút ngay muỗng thuốc vào. Đây là cách cho uống nguy hiểm vì có thể gây tử vong cho bé. BS Đinh Tấn Phương - BV Nhi Đồng 1 TP.HCM giải thích: “Nếu bị bịt mũi, bé sẽ há miệng để khóc, khi đó nắp thanh môn mở, phụ huynh đẩy thuốc, nước… vào và những thứ này sẽ lọt vào khí quản của bé (dị vật đường thở) gây sặc, tím tái, suy hô hấp, có thể dẫn đến tử vong. Vì thế, tuyệt đối không được bịt mũi cho trẻ uống thuốc”.
- Cho thuốc vào sữa, cháo: Nhiều phụ huynh áp dụng biện pháp trộn thuốc vào sữa, cháo và nghĩ nhất cử lưỡng tiện: bé vừa ăn vừa uống thuốc. BS Nguyễn Thị Hoa - Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM cảnh báo: “Trẻ rất tinh, chỉ cần chúng phát hiện trong thức ăn có thuốc sẽ bỏ ăn. Vì thế, không nên cho thuốc vào thức ăn để tránh việc bé sợ thức ăn về lâu dài”.
- Cho uống giảm liều: Có người cho rằng bác sĩ cho liều cao khi bé bệnh nặng thì khi bớt bệnh sẽ cho bé uống ít lại. Thuốc uống đã không đủ liều lại “thất thoát” khi dính muỗng, dính ly nên vào bụng bé không bao nhiêu. Cách uống này dẫn đến hai trường hợp: nếu là thuốc hạ sốt, bé sẽ không hết sốt. Còn nếu là thuốc kháng sinh thì không thể đủ lượng để tạo kháng thể chống lại vi trùng, về lâu dài sẽ dẫn tới lờn thuốc.
- Tháo vỏ thuốc: Tháo vỏ thuốc trộn với nước đường cho trẻ uống. Đây là cách uống mà các bác sĩ cho rằng không nên, vì vỏ thuốc cũng có công dụng riêng. Ví dụ, với loại thuốc tan trong ruột, vỏ sẽ được bọc lại để an toàn trong dạ dày. Khi không có vỏ, môi trường acid trong dạ dày làm mất đi hiệu lực của thuốc thì việc uống thuốc phản tác dụng.
- Dùng thuốc người lớn: Thuốc cho trẻ thường có liều lượng tính theo kg cùng các điều kiện ngặt nghèo để đảm bảo an toàn cho trẻ theo lứa tuổi, chức năng gan thận, thần kinh… BS Nguyễn Công Viên - Phòng khám quốc tế Alain Carpentier (CMI) cho biết: “Dùng thuốc kiểu này có thể xảy ra hai trường hợp. Thứ nhất, nếu giảm liều của người lớn, trẻ có thể uống không đủ liều nên không diệt được vi khuẩn gây bệnh và trẻ sẽ bị lờn thuốc. Thứ nhì, nếu uống quá liều sẽ dẫn tới ngộ độc thuốc hoặc tăng tác dụng phụ”.

Giúp bé uống thuốc dễ dàng
Trẻ nhỏ rất nhạy cảm. Chỉ vài tháng tuổi bé đã có khả năng “đọc” được giọng điệu và tâm lý lo lắng của cha mẹ, đồng thời biết cách “ăn hiếp” cha mẹ, biết cả “mềm nắn, rắn buông”. Đó là lý do cha mẹ cho uống thì khó nhưng bác sĩ, y tá thì rất dễ. Vì vậy, hãy mang thuốc tới cho con như mang một điều gì thú vị và khi cho uống cần kiên quyết, khuyến khích, ngợi khen bé bằng thái độ, bằng ánh mắt. BS Nguyễn Công Viên cho biết: “Hiện nay, đa số thuốc dành cho trẻ em đều được bào chế thành dạng bột, hoặc lỏng có hương thơm cam, dâu… vì thế việc cho uống không còn khó khăn. Tuy nhiên, do các loại thuốc thơm này có giá thành cao nên nhiều bác sĩ kê đơn thuốc viên chia hai, chia ba, chia tư, nghiền nhỏ cho uống (cách này không được khuyến khích ở các nước Âu Mỹ do có một số nguy cơ như dễ gây quá liều hoặc hóc thuốc vào đường thở). Nếu vì kinh tế, buộc phải dùng thuốc viên cà nhuyễn thì nên chú ý thật kỹ phân lượng, ngoài ra có thể trộn si rô có hương thơm cho dễ uống”.
Trong trường hợp bé phải uống thuốc đắng hoặc bé đang sốt cao, sẵn sàng ói khi đưa bất cứ gì vào miệng, BS Đinh Tấn Phương hướng dẫn: “Có thể dùng xi lanh bơm thuốc vào góc miệng trong của bé, bơm từ từ, bé sẽ nuốt mà không cảm nhận vị của thuốc. Uống thuốc kiểu này còn ngăn bé không bị sặc, không cảm thấy đắng và cũng không thể dùng lưỡi lè ra. Cần mua xi lanh mới vì với ống cũ, cao su rít, dễ xịt một lượng thuốc quá lớn vào lưỡi bé, bé sẽ phun thuốc ra ngay. Ngoài ra, tư thế cho bé uống thuốc bao giờ cũng để đầu cao hoặc ngồi, không được nằm”.