Khi thấy con nôn trớ, nhiều bà mẹ rất lo lắng. Họ nghĩ ra đủ các thứ khiến con bị nôn. Tuy nhiên, trên thực tế, việc nôn trớ của trẻ trong giai đoạn từ lúc sinh ra cho tới 6 tháng tuổi khá phổ biến. Trẻ nôn trớ là bởi hệ thống tiêu hóa của bé vẫn chưa được phát triển một cách hoàn chỉnh. Bất cứ một sự khó chịu nào trong người bé, thức ăn đều có khả năng bị đẩy ra ngoài.
Thông thường, nôn trớ là hiện tượng bình thường, bạn cũng không cần thiết phải quá lo lắng vì điều này. Nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này có thể do bé ăn quá no, dầy bữa… bạn có thể kiểm chứng bằng việc bé tè dầm hoặc ị liên tục trong cả ngày.
Để giảm thiểu triệu chứng khó chịu này cho bé và giải tỏa sự lo lắng cho bạn, sau khi cho con ăn xong, bạn hãy ôm bé đứng dậy vuốt dọc lưng cho bé. Thật tuyệt vời nếu bạn khiến bé ợ hơi sau mỗi bữa ăn.
Sau khi ăn xong, bạn nên tránh cho bé vận động mạnh, điều này sẽ giúp bé giảm nôn trớ.
Tuy nhiên, nếu bé thường xuyên nôn trớ, không tăng cân trong 2 tháng liên tiếp, quấy khóc nhiều, ngủ không ngon… bạn không nên chủ quan, chần chừ mà hãy đưa bé tới ngay bệnh viện. Bởi đó có thể là dấu hiệu cho biết bé bị trào ngược dạ dày thực quản (GERD). Tại bệnh viện, bác sĩ sẽ khám và làm các xét nghiệm cụ thể để chẩn đoán xem bé của bạn có gặp vấn đề gì về sức khỏe hay không?
(Ảnh minh họa)
Sợ cho con ăn không đủ no
Vì không biết con ti mẹ được một lượng cụ thể là bao nhiêu ml nên nhiều bậc phụ huynh lo lắng con ăn không đủ no. Nhiều người cứ ép con ăn liên tục khi bé thức thậm chí bé ngủ cũng gọi dậy bằng được để cho ti.
Điều này cũng xảy ra tương tự khi bé bắt đầu khám phá thế giới của những đồ ăn dặm. Thêm bữa cháo, nhiều bé ăn ít sữa mẹ hoặc sữa công thức hơn. Điều này cũng khiến cha mẹ lo lắng vì sợ con ăn bịthiếu chất. Và rồi họ sẽ căng sức lên để nhồi nhét con ăn “thêm chứ không được bớt”.
Cũng có bậc phụ huynh nghĩ rằng con ăn dặm sẽ tốt hơn (no hơn, nhiều chất dinh dưỡng hơn) nên dừng sữa cũng chẳng sao. Nhưng đó là những suy nghĩ sai lầm bởi càng nhồi nhét, bé sẽ càng khó chịu trong cơ thể (thức ăn không tiêu hóa kịp, đau bụng, chán ăn…).
Những vitamin, khoáng chất có trong sữa mẹ hoặc sữa bột vô cùng quan trọng cho sự phát triển của bé ở giai đoạn này, ví dụ: chất béo trong sữa là điều cần thiết cho sự phát triển não bộ, canxi giúp răng và xương được chắc khỏe, phát triển.
Tóm lại, bạn đừng quá lo lắng, bạn chỉ cần nhìn vào những chỉ số phát triển của con, con khỏe mạnh, vậy là bạn đã đi đúng hướng rồi.
Sợ con bắt bế đi ăn rong
Thật tuyệt vời bởi trong giai đoạn từ 10 tháng trở lên, bé đã biết đứng dậy, đi lại rồi chạy tung tăng. Vận động nhiều, bé cần bổ sung dinh dưỡng nhiều hơn. Bạn nên kết hợp ngoài sữa, cháo ăn dặm, bé có thêm những bữa phụ giàu vitamin và khoáng chất như ngũ cốc, chuối, pho mát…
Tuy nhiên, bạn sẽ phải đối mặt với những cơn mè nheo của con. Sẽ là sai lầm nếu bạn bế con nhong nhong khắp xóm trên ngõ dưới để mong con ăn hết bát bột.
Điều này sẽ hình thành trong bạn một nỗi sợ hãi thật sự nếu cứ khi nào ăn là hai mẹ con cùng "nhích". Bạn nên nhớ rằng không bao giờ là quá sớm để phát triển thói quen ăn uống tốt cho con. Các chuyên gia khuyên rằng, bạn nên cho con ăn ngồi một chỗ, được ngồi ăn với gia đình cũng là một điều bé thích thú, ăn ngoan.
Sợ nếu con biếng ăn
Ăn uống là cả một nghệ thuật song với nhiều em bé, chúng lại coi ăn uống là sự khổ sở, khó chịu. Nhìn con biếng ăn, nhiều cha mẹ lo lắng con bị chậm lên cân, hoặc không tăng cân.
Làm sao để kích thích con ăn ngon miệng, nhiều bậc phụ huynh tìm nhiều cách để khắc phục như cho con uống thuốc trị biếng ăn, ép, dọa nạt, đánh mắng…
Bạn cần phải biết rõ tại sao con lại biếng ăn. Có nhiều nguyên nhân khiến con biếng ăn: thức ăn chưa phong phú, hệ tiêu hóa của bé còn đang hoàn thiện, thức ăn khó tiêu hóa, thiếu kẽm, sắt làm giảm chức năng miễn dịch đường tiêu hóa và tạo máu... khiến bé chán ăn.
Tìm hiểu được nguyên nhân mấu chốt khiến con biếng ăn, bạn sẽ giúp bé nhanh chóng ăn ngon miệng.
Thêm vào đó, nếu con bạn đang phát triển bình thường, không còi cọc, bạn hãy yên tâm rằng ăn thế là đủ với con và bạn đang lo lắng một cách thái quá.
Tóm lại, trước mỗi dấu hiệu của bé, bạn cần tỉnh táo, quan sát, không nên vội vàng, lo lắng... có như vậy thì bé mới khỏe và mẹ mới vui.