Không cần đánh thức bé bú đêm
Sau khi bé bú nên đặt bé nằm nghiêng, đầu cao vì bé có thể ọc sữa, sữa tràn vào phổi gây tử vong do tắc thở.
Bé bú sữa bình cũng cần bú đêm như bé bú sữa mẹ. |
Theo thạc sĩ Lê Thị Hải (Giám đốc Trung tâm khám, tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng), người mẹ không cần quá lo lắng phải đánh thức con mỗi 2-3 tiếng một lần để cho bú đêm. Với bé mới sinh, nếu ban ngày ngủ nhiều không bú thì người mẹ nên 3 tiếng đánh thức cho con bú một lần. Còn ban đêm thì không nhất thiết phải đánh thức nếu bé ngủ ngon, không có nhu cầu đòi ăn.
Điều quan trọng là mẹ nên theo dõi cân nặng của bé. Nếu trong 3 tháng đầu mà trung bình tăng một kg/tháng là được. Nếu tăng dưới 800g/tháng thì phải tăng cữ bú cho bé. Nếu bé không chịu bú thì nên vắt sữa mẹ và cho bé ăn bằng thìa, cốc sạch.
Từ tháng thứ 2, bé cần 800ml sữa mỗi ngày. Dấu hiệu bé bú đủ là tăng cân đều, đi tiểu nhiều và không quấy khóc.
Bé thức giấc ban đêm có thể không vì đói
Không phải lúc nào bé quấy đêm cũng là vì bé đói, đòi được bú, mà có thể do:
- Bé nóng quá hay lạnh quá.
- Bé khó chịu do mọc răng.
- Bé bị ốm.
- Bé bị muỗi đốt.
- Bé muốn được mẹ ôm…
Từ 6 tháng bé không cần bú đêm
Từ 6 tháng trở đi, bé không cần thiết phải bú đêm vì lúc này bé đã bước vào giai đoạn ăn dặm. Bé có thể ngủ liền 9-11 tiếng mà không cần được ăn đêm. Nhiều bé chỉ “mút mát” ban đêm do thói quen, chứ không phải vì đói nhưng lại làm mẹ không ngủ được.
Các chuyên gia khuyên cha mẹ nên cho bé ăn bữa tối loãng hơn để bé dễ tiêu hóa khi đi ngủ. Tránh cho bé ăn thật no trước giờ ngủ vì như thế bé sẽ nặng bụng, khó tiêu, gây quấy khóc ban đêm. Bạn nên tăng cường giờ chơi và thức vào ban ngày cho bé để ban đêm, bé ngủ sâu giấc hơn.
Nếu bé bú đêm, nên cho bé bú trước 21h và sau 5h sáng, vì khi ngủ vào ban đêm, hệ tiêu hóa của bé cần được nghỉ. Hơn thế, bản thân quá trình tiêu hóa - hấp thu về đêm cũng diễn ra rất chậm. Nếu bé bú đêm nhiều lần, giấc ngủ sẽ không sâu, dẫn đến khả năng hấp thụ cũng kém hơn. Nhiều trường hợp có thể dẫn đến lười ăn vào ban ngày, không có lợi cho hệ tiêu hóa của bé.
Ngoài ra trong giấc ngủ sâu, cơ thể bé còn sản sinh các nội tiết tố (hormone) tăng trưởng giúp bé phát triển thể chất. Bú đêm cũng không bảo đảm vệ sinh răng miệng cho bé. Bé dễ bị nấm ở miệng, lưỡi (tưa lưỡi) gây sâu răng.
Đúng - sai về việc bú đêm của bé
Những quan niệm đúng:
Bé bú đêm làm tăng lượng sữa mẹ: Khi bú mẹ, bé tác động vào các đầu dây thần kinh vú. Các tín hiệu từ đó tới tuyến yên, nơi tổng hợp chất kích thích sữa tự nhiên vô cùng quan trọng là prolactin. Hormone này đạt được sự tích tụ cao nhất vào buổi tối. Chính việc cho bé bú mẹ vào ban đêm góp phần tạo sữa mẹ với dung lượng cần thiết cho bé.
Chỉ trong vài tháng đầu bé đòi bú đêm: Bé từ 6 tháng trở lên về sinh lý không còn cần thiết phải cho bú về đêm. Nếu sau 6 tháng tuổi bé vẫn còn đòi bú đêm, bạn cần tập cho bé cai dần, nếu không bé sẽ còn thức đêm đòi bú khá lâu. Bắt đầu từ tháng thứ 2-3 trở đi từ từ "rèn" cho bé thói quen ban ngày là thời gian thức và chơi, còn ban đêm là thời gian ngủ. Những lúc bé bú đêm, nên bật đèn có độ sáng yếu, không nói chuyện và đừng chơi với bé. Bạn cho bé bú no và đặt bé nằm.
Bé bú ngày là không đủ: Bé nhũ nhi chưa thể bú nhiều sữa nên bú đêm là việc không thể thiếu trong chế độ dinh dưỡng của bé. Thêm vào đó, ban đêm bé khát nước và bé sẽ giải khát bằng những ngụm sữa loãng còn gọi là “sữa đầu".
Bé có thể thiếp đi trong lúc đang bú: Nếu bé thiếp đi khi đang bú. Bạn chờ một chút cho bé tự thả núm vú, rồi mới nhẹ nhàng đặt bé.
Với bé bú bình, nên pha sữa mới cho mỗi lần bú: Nếu bé không uống hết sữa trong bình, bạn đừng sử dụng chỗ sữa thừa vào lần bú sau. Vấn đề không phải vì sữa đã mất giá trị dinh dưỡng mà là những giọt sữa còn đọng lại trên núm vú sẽ là môi trường sinh sản của các vi khuẩn nguy hiểm. Phải rửa và thanh trùng bình sữa ngay sau mỗi khi dùng.
Những quan niệm sai:
Thời gian giữa những lần cho bú có thể lâu hơn nhờ cho bé bú no bữa tối: Dinh dưỡng cho bé 6 tháng đầu hoàn toàn bằng sữa mẹ. Sau đó, bé bắt đầu dần dần được ăn dặm. Lúc này các bác sĩ có thể khuyên cha mẹ ban ngày cho bé ăn thức ăn đặc, chiều tối cho bé khẩu phần nhẹ và lỏng hơn. Cho bé ăn tối thật no để đêm ít dậy là việc không nên. Bé được cho ăn như vậy sẽ hay quấy và khó ngủ.
Bé thức giấc giữa đêm vì đói: Thực tế, những cơn đau bụng (thường vào 3 tháng đầu sau sinh) hoặc khó chịu vì tã ướt có thể đánh thức bé. Răng nhú cũng có thể làm giấc ngủ của bé không yên. Đôi khi bé thức dậy vì trong phòng quá nóng.