Ba đi làm, nhưng khi về người không ngập mùi mồ hôi và tay chân bám đầy vôi vữa như trước, có khi còn mang dép mới, tóc được hớt gọn gàng. “Cái kim trong bọc” rồi không giấu được. Mẹ tôi mỗi ngày đi xe đạp hơn 20 cây số trên những con đường đất đỏ ngập ổ voi ổ gà để “bắt ghen”, cuối cùng đã bắt được. Ba không làm thợ hồ mà đang làm “ông chủ” phụ trách công việc sổ sách cho một cửa hàng vật tư nông nghiệp!
Về nhà, mẹ hết kêu khóc lại chửi bới, mệt nằm vạ vật và… uống thuốc ngủ khá nhiều. 10 tuổi tôi không biết gì nhiều, mãi khi lay gọi mẹ dậy ăn cơm không được, tôi mới chạy đi gọi hàng xóm. Cái thai vẫn còn nguyên. Sau đó, ba tôi cũng trở về với gia đình. Nhưng có lẽ, ông không biết, từ đó cuộc đời ông mới thật sự là “địa ngục” chứ bao la hét, chửi bới, cấu véo… hôm xưa không đáng là gì.
Cái thai trong bụng ngày nào giờ đã là đứa trẻ 28 tuổi, nhưng em sống rất khép kín và dễ cáu bẳn, gây hấn. 28 năm ba mẹ ở chung nhà nhưng chưa một lần ăn chung mâm, không ngủ chung giường và 28 năm chưa một lần mẹ nở nụ cười. Ba tôi cố chuộc lại lỗi lầm bằng cách lao động nhiều hơn, cất nhà cửa đàng hoàng cho vợ con, không thuốc lá, cà phê, bạn bè giao thiệp cũng ít hơn. Nhưng bao nhiêu đó không thể nào trả được “cái giá” của sự lạc lòng ngày ấy.
Và “cái giá” cao nhất mà ba không ngờ tới là đòn ghen của mẹ đã chuyển sang thù hận. Sự thù hận đó trút lên đầu các con, nhất là con gái. Mẹ luôn ca cẩm rằng, đàn ông không có kẻ nào tốt, không say xỉn, đánh đập vợ con thì cũng vợ bé vợ mọn. Mẹ đay nghiến “tội lỗi” của ba nhiều đến nỗi, em trai tôi phải thốt lên: “Trời ơi! Nếu mình lỡ lạc lòng, vợ mình cũng y như mẹ chắc mình chết quá!”. Thế là hơn 30 tuổi, có việc làm ổn định mà em vẫn bảo mình “chưa gặp duyên gặp nợ”. Em gái thì luôn cảnh giác với bất cứ người con trai nào.
Vậy là bốn đứa em tôi chưa đứa nào có gia đình. Chỉ mình tôi “xăm mình” lấy chồng và khuyên mẹ đừng “đầu độc” các em nữa. Nhưng mẹ bảo: “Con có hạnh phúc nên cứ tưởng cuộc đời luôn màu hồng. Mai này lỡ gặp chồng phụ bạc xem con có như mẹ không”. Tôi… hết ý kiến!
Các đấng mày râu ơi! Chuyện “vui qua đường” của các ông chỉ là chốc lát, nhưng có ai biết được giá phải trả là suốt cuộc đời không? Đời mình, và đời con mình nữa. Đàn bà ích kỷ lắm. Xin hãy suy nghĩ thiệt hơn trước khi dấn thân vào “cuộc vui” nhé!
Theo phunuonline