Ấp 3, xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh - TPHCM vừa có trường hợp tử vong vì dịch bệnh tay chân miệng. Bệnh nhân là Trần Thanh P., mới hơn 2 tuổi. Ngày 1-5, bé P. được đưa đến khám tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 trong tình trạng run chi rồi tử vong trong cùng ngày với chẩn đoán do mắc bệnh tay chân miệng độ 4.
Hơn 43.000 trường hợp mắc
TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM, cho biết ngoài trường hợp tử vong trên, TP còn có ca tử vong mới do dịch bệnh tay chân miệng là bé trai Huỳnh Chí Q. (2 tuổi, ngụ quận 10). Bé Q. khởi bệnh ngày 7-5 với triệu chứng sốt kèm ban đỏ ở tay, chân; đến khám tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 và tử vong sau một ngày điều trị.
Một bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng được cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng 1
Hai ca tử vong mới này đã đưa số trẻ tử vong do tay chân miệng trên địa bàn TPHCM từ đầu năm đến nay là 5 ca, trong tổng số khoảng 2.850 ca mắc bệnh này. Từ ngày 3 đến 9-5, TP ghi nhận 170 ca mắc. Nơi có số ca mắc cao nhất là phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân…
Theo Bộ Y tế, tính từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 43.000 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 20 trường hợp tử vong. Con số này cao hơn khoảng 50% so với những tuần đầu năm và tương đương với giai đoạn tháng 9 và 10-2011, khi bệnh tay chân miệng ở vào giai đoạn đỉnh dịch.
Chưa thể công bố dịch
Thực tế cho thấy đến thời điểm này, dù các địa phương và ngành chức năng hô hào tăng cường phòng chống nhưng dịch bệnh tay chân miệng vẫn cứ cao, gây lo lắng trong cộng đồng.
Dịch bệnh tay chân miệng diễn tiến phức tạp, nguy hiểm như vậy nhưng sao ngành y tế không công bố dịch? PGS-BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, lý giải dịch bệnh tay chân miệng thời điểm này đang có xu hướng giảm, số ca mắc chưa đủ điều kiện để công bố. BS Bỉnh cũng cho biết ca tử vong ở huyện Bình Chánh là người từ địa phương khác nhưng vì dịch tễ nên phải ghi nhận trên địa bàn TP.
BS đang thăm khám cho bệnh nhi mắc tay chân miệng. (Ảnh minh họa)
Lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng không công bố dịch với lý do vì đây là dịch bệnh nhóm B nên thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND tỉnh. Khi có đủ 2 địa phương công bố dịch, Bộ Y tế mới công bố dịch trên toàn quốc. Tuy nhiên, cuối năm 2011, dù tổng số ca mắc bệnh tay chân miệng thấp hơn so với nhiều địa phương khác nhưng tỉnh Ninh Thuận đã công bố dịch.
Sau đó, tỉnh đã chi 200 triệu đồng và Trung ương cấp thêm 7 tỉ đồng nên đã nhanh chóng khống chế được dịch. Đánh giá thành tích này, một lãnh đạo của Bộ Y tế cho rằng đây là kinh nghiệm lớn cho các địa phương vì việc công bố dịch đúng thời điểm sẽ huy động được nhiều nguồn lực, nhân lực, hỗ trợ chuyên môn… để kiểm soát dịch tốt hơn.
Theo GS Phạm Song, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, việc địa phương lừng khừng không công bố dịch sẽ khiến người dân chủ quan, coi thường dịch bệnh, về lâu dài khó khống chế dịch.
Dịch đang chuyển dần ra phía Bắc
Theo Bộ Y tế, điểm khác biệt so với năm 2011 là dịch tay chân miệng có xu hướng tăng cao ở các tỉnh phía Bắc.
Hải Phòng là địa phương đứng đầu cả nước về số trường hợp mắc với trung bình mỗi tuần hơn 200 ca. Trong số 10 tỉnh, TP có tỉ lệ mắc cao nhất nước thì có 6 tỉnh, TP ở miền Bắc (Hải Phòng, Bắc Kạn, Yên Bái, Lào Cai, Hòa Bình, Vĩnh Phúc).
Cũng theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, các trường hợp tử vong do bệnh tay chân miệng từ đầu năm 2012 đến nay đều dương tính với virus EV 71 (100%) và chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 3 tuổi (chiếm 86%). Bộ Y tế nhận định trong năm 2012, dịch tay chân miệng vẫn diễn biến phức tạp trên diện rộng với số ca mắc cao.
Hiện nay, có nhiều tuýp virus gây bệnh nên một người có thể mắc nhiều tuýp virus khác nhau, đặc biệt là sự lưu hành của tuýp virus EV 71 dễ gây tử vong. Kết quả nghiên cứu cho thấy tỉ lệ người lành mang trùng trong các ổ dịch cao tới 71%, thời gian thải trùng kéo dài tới 6 tuần trong khi đó, tỉ lệ người chăm sóc trẻ áp dụng biện pháp rửa tay phòng bệnh còn thấp.
N.Dung
|