Chị Nguyễn Thị Thơm (ở phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức) cho biết: "Báo chí vừa đưa tin về loại cải thảo Trung Quốc cho phun chất ướp xác khiến chúng tôi e ngại, nhỡ mua nhầm thì chết! Đành chịu khó chuyển sang loại rau khác một thời gian".
Không đến mức phải "nhịn ăn" cải thảo, bà Bùi Thị Sáu (ở phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức) chọn cách chỉ mua của người quen, đảm bảo "được ăn rau Đà Lạt".
Ban quản lý chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, TP.HCM xác nhận, dù không chiếm số lượng lớn, nhưng mặt hàng cải thảo Trung Quốc vẫn có một số tiểu thương tại chợ nhập về, còn lại đa số là nguồn từ Đà Lạt.
Cải thảo Trung Quốc nhập khẩu vào chợ phải có giấy chứng nhận an toàn của Chi cục Kiểm dịch thực vật phía Bắc cấp. Ngoài ra, Ban quản lý chợ cũng kết hợp với Chi cục Kiểm dịch thực vật TP.HCM kiểm tra hàng ngày các mặt hàng rau, củ, quả tại các gian hàng của tiểu thương, nên chưa phát hiện mặt hàng nào có dư lượng các chất độc hại vượt mức cho phép.
Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức
Theo bà Nguyễn Thanh Hà - Phó Giám đốc Công ty Kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức, TP.HCM, lượng nông sản có xuất xứ từ Trung Quốc nhập về chợ đầu mối mỗi ngày đã giảm đáng kể so với những năm trước, hiện ở mức khoảng hơn 100 tấn/đêm trong tổng số 3.400 tấn/hàng các loại về chợ. Trong đó có khoảng 50 – 80 tấn là mặt hàng rau củ, 40 – 50 tấn trái cây. Các mặt hàng rau, củ xuất xứ Trung Quốc về chợ phổ biến là bông cải trắng, bông cải xanh, cải thảo, cải tròn, củ cải đỏ, khoai tây, gừng, củ hành, tỏi; các loại trái cây là: cam, lê, táo, quýt kiếng.
Bà Hà cũng cho biết thêm, hàng đêm các tổ kiểm tra của Chi cục bảo vệ thực vật TP.HCM đều tiến hành lấy mẫu các loại nông sản tại chợ để kiểm tra, với số lượng 5-20 mẫu/đêm.
Để phân biệt rau quả Trung Quốc, theo những người bán rau ở chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, TP.HCM, đặc trưng của các loại nông sản Trung Quốc là trông hình dáng bên ngoài rất tươi ngon, bao bọc kỹ, lớn trái, có thể để lâu, một số loại có giá rẻ nên các đối tượng khách hàng là những hàng quán thường đặt mua.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật TP.HCM, đối với rau củ quả, đơn vị thường kiểm tra 4 chỉ tiêu độc tố chính là kim loại nặng, nitrat, thuốc trừ sâu và vi sinh vật gây bệnh, vì những thứ này thường tồn đọng trong rau quả. Còn formaldehyde không có trong danh mục quy định của nhà nước nên chưa kiểm tra.
Trong khi đó, đại diện Cục bảo vệ thực vật, cho biết vừa chỉ đạo bổ sung loại hoá chất này vào danh mục hoạt chất cần kiểm soát để các đơn vị thanh tra, kiểm tra đối với các loại rau củ được nhập khẩu vào Việt Nam.
Báo chí Trung Quốc vừa đưa tin, hàng chục người bán rau ở nước này bị phát hiện đang phun dung dịch formaldehyde để giữ cho rau tươi lâu. Những người bán rau giải thích, do vào các tháng trời nóng, rau cải thảo dễ phân hủy nên họ phải dùng chất formaldehyde để rau được tươi lâu trong quá trình vận chuyển.
Hiện các cơ quan chức năng Trung Quốc đang điều tra vụ việc trên. Theo Tân Hoa Xã, hiện mới có rau cải thảo bị phát hiện có phun chất này, nhưng một số tờ báo nước ngoài cho rằng có thêm hai mặt hàng nữa là nấm và hải sản.
|