Thuốc bổ giá bèo
"Sâm đất"- đó là tên mà người dân ở xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi đặt cho loại trùn sông sống ở lòng sông Thoa, đoạn đổ ra cửa biển ở địa phương này. Cùng là họ hàng thế nhưng trùn sông không sống trên cạn mà cư ngụ ở dưới lòng sông Thoa, có kích cỡ to gấp nhiều lần so với con giun (trùn) mà ta vẫn thấy.
Qua quan sát thì trùn sông có con to gần bằng ngón chân cái, dài gần 2 gang tay người lớn và nặng đến 0,1kg. Người dân địa phương khẳng định: “Nếu ở núi có nhân sâm, biển có hải sâm thì trùn sông chính là “sâm đất”.
|
Đoạn sông nơi trùn sông sinh sống
|
Bởi lẽ theo họ nếu người thấy mệt mỏi thì chỉ cần làm bát cháo trùn sông là khỏe lại ngay. Nhiều “đức lang quân” còn rỉ tai: “Tối mà đi nhậu với mồi trùn sông thì sáng hôm sau nhất định vợ sẽ ‘vừa quét sân, vừa huýt sáo”.
Cũng vì vậy nên nhiều anh em ở đây muốn lai rai với bạn bè mà khỏi sợ vợ cằn nhằn, thì chỉ cần úp mở là đi nhậu mồi sâm đất thế là yên chuyện. Chẳng những vậy đôi khi còn được vợ rút túi dấm dúi cho thêm ít tiền, một số khác, kể.
|
Trùn sông, con vật được ví là "sâm đất"
|
Dù được ví bổ chẳng kém gì sâm, thế nhưng giá của trùn sông hiện chỉ trên dưới khoảng 60.000 đồng/kg tươi. Vì vậy nhiều người dân địa phương gọi Trùn sông là “Viagra của dân nghèo”.
Thu nhập khủng
Thời gian đào bắt trùn sông ở Phổ Quang hàng năm diễn ra vào từ cuối mùa mưa năm trước đến đầu mùa mưa năm sau. Khoảng chục năm trước trùn sông bắt về mà muốn bán, thì người dân phải rạch bụng và bỏ toàn bộ phần ruột, rồi đem phơi khô mới bán được với giá 40-60.000 đồng/kg. Cứ 10-12kg trùn sống thì mới được 1kg trùn khô, tính ra chỉ khoảng 5000 đồng/kg trùn tươi, bằng 1/10 giá hiện nay.
Tham gia đào bắt trùn chủ yếu là người dân ở thôn Hải Tân, chiếm khoảng 70%, còn lại ở một số thôn khác trong xã. Mỗi ngày đi đào từ 4-6 giờ, bèo nhất cũng được 2-6kg/người, bán được khoảng 200.000 đồng/người.
|
Anh Tân, với số trùn vừa bắt |
Vài năm gần đây do trùn sông có giá nên cùng với chờ thủy triều rút, nước cạn để đào bắt, thì một số người đi lặn để đào bắt.
Dù là nơi cung cấp số lượng trùn sông lên đến vài trăm kg/ngày, thế nhưng khi được hỏi, người dân ở đây đều không rõ việc các tiểu thương từ Bình Định vào thu mua được sử dụng, chế biến như thế nào nữa. Họ chỉ nghe nói, ngoài chế biến làm thức ăn, mua về để làm thuốc, còn cụ thể là thuốc gì thì chịu.
Anh Tân (20 tuổi), một cao thủ của hình thức bắt kiểu này, cho hay, nếu một ngày lao động khoảng 8h tiếng dưới nước thì có thể bắt được khoảng 15 kg. Nhiều hôm vô mánh bắt hơn 20kg. Nhẩm tính tiền bán trùn sông mỗi tháng của anh Tân không dưới 15 triệu đồng/tháng.
|
Thợ lặn nhí với số trùn đào được |
Tuy nhiên không phải người nào kể cả dù biết lặn, hoặc lặn giỏi cũng có thể khai thác trùn sông theo kiểu này. Bởi vì do khi lặn thì không có điểm trụ, tựa nên nếu sẽ rất khó, lại không được đào vì lưỡi cuốc làm đứt trùn.
Và cho dù đào được cũng cần phải có cách mới bắt được nếu không thì trùn sẽ thụt sâu xuống dưới hang. Vì vậy tuy số tham gia đào trùn sông ở đây lên đến con số hàng trăm người, thế nhưng số lặn đào bắt thuộc hàng“chuyên nghiệp” tính chưa đến 10 người.
HUỲNH HÀ
Theo Infonet