Sáng sớm ngày 22/8, PV chúng tôi có mặt tại bãi triều nuôi ngao thuộc xã Đông Minh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Không giống như bao lần đến đây, hình ảnh những chòi nuôi ngao rạng rỡ cùng tiếng cười ngư dân nay còn đâu nữa, thay vào đó là những tiếng thở dài, gương mặt nhăn nhó của ngư dân đang nạo vét từng xác ngao chết, thu dọn bãi triều trước nỗi đau đến xót lòng. Chỉ một tuần qua, hàng trăm hộ dân nuôi ngao của xã đã gần như trắng tay.
Ngồi bần thần bên đống ngao chết, anh Đoàn Quang Phục than thở: “Chỉ chưa đầy một tuần toàn bộ số ngao trong xã chết trắng hàng loạt. Đến nay, tình trạng này vẫn còn diễn ra. Chỉ còn khoảng tháng nữa là đến vụ thu hoạch, giờ ngao chết hết rồi, giờ chúng tôi không biết lấy gì mà sống chú à...”
Theo ghi nhận của PV, dọc quanh các bãi triều nuôi ngao tại xã Đông Minh xác ngao chết phủ trắng bãi, hàng trăm hộ dân đang thu dọn cải tạo lại bãi ngao. Nhiều hộ dân mếu máo mặt mày, bao nhiêu công sức ngày đêm nuôi ngao giờ đổ hết xuống biển. Hộ ít thiệt hại khoảng vài trăm triệu đồng, còn các hộ nuôi nhiều ước tính cũng đến vài tỷ đồng “không cánh mà bay”.
“Đã hơn 10 ngày trôi qua, giờ đây người dân nuôi ngao các xã thuộc huyện Tiền Hải, Thái Thụy, tỉnh Thái Bình chỉ biết xót xa nhặt nhạnh từng xác ngao chết đem đổ đi. Đây là lần đầu tiên thiệt hại nặng nề nhất mà những người nuôi ngao tại địa phương phải gánh chịu. Người ta trắng đêm thu hoạch ngao đem bán, còn chúng tôi thì trắng đêm thu dọn ngao chết trên bãi triều.” Một người dân địa phương buồn bã tâm sự.
Trao đổi với PV, ông Vũ Trung Tiến (Phó CT UBND xã Đông Minh) cho biết: “Tính trong toàn xã có 446,2 ha diện tích bãi triều nuôi ngao. Vừa qua, cụ thể là từ ngày 10 đến 18/8 toàn bộ diện tích bãi nuôi ngao trên địa bàn xã bị chết, nơi thấp tỷ lệ thiệt hại từ 20 – 30%, nơi cao thiệt hại từ 70 – 90%, thiệt hại ước tính trên 108,1 tỷ đồng.
Cũng theo ông Tiến cho biết thì sau khi báo cáo tình hình với phòng NN&PTNT huyện Tiền Hải, các ngành chức năng đã cử cán bộ chuyên môn xuống cùng UBND xã Đông Minh khảo sát và sơ bộ đánh giá tỷ lệ thiệt hại. Nhận định ban đầu cho thấy nguyên nhân dẫn đến con ngao bị chết là do mưa lớn, các cống mở tháo nước trong đồng, nồng độ nước biển giảm xuống còn 8%, con ngao bị xốc nước ngọt, cộng với thời tiết nắng nóng dẫn đến ngao chết hàng loạt.
Tuy nhiên theo một số người dân lại cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngao chết hàng loạt là do nguồn nước bị ô nhiễm.
Ngoài Đông Minh, trong những ngày qua hàng trăm hộ nuôi ngao ở 2 xã Thụy Trường và Thái Đô (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) cũng rơi vào tình trạng rất khó khăn khi ngao sắp vào mùa thu hoạch nhưng có nguy cơ bị mất trắng. Trước đó, nhiều người dân đã đánh cược cả gia tài, mồ hôi, nước mắt với hy vọng ngao sẽ giúp họ đổi đời.
Theo ước tính ban đầu của các ngành chức năng, đến hết ngày 20/8, trên địa bàn huyện đã có khoảng gần 1.000 tấn ngao sắp thu hoạch bị chết, thiệt hại khoảng trên 10 tỷ đồng.Trước thực trạng trên, UBND xã Đông Minh đã chỉ đạo các hộ nuôi ngao cần tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình để báo cáo với cơ quan chức năng.
Đây là thiệt hại rất lớn, nhiều hộ không còn nguồn vốn để tái đầu tư và trả nợ vốn vay. Chúng tôi cũng như các hộ dân nuôi ngao tại địa phương rất mong các cấp, ban ngành có chính sách hỗ trợ thiệt hại cho người dân, có những giải pháp về chủ trương nuôi ngao, đồng thời tiếp tục có chính sách ưu tiên đầu tư vốn vay bổ sung để các hộ nuôi ngao có nguồn vốn tái đầu tư sản xuất. Ông Tiến cho biết thêm.
Dưới đây là một số hình ảnh tại bãi triều nuôi ngao xã Đông Minh
Xác ngao chết phủ kín khắp các bãi triều
Người dân đang cố nhặt số ít những con ngao còn sống
Ngao chết tại các bãi triều ở huyện Thái Thụy - Thái Bình