|
Tranh thủ trời nắng, người dân mang mì, miến, bánh đa ra phơi đầy đồng. Ảnh: Duy Hiếu. |
Nhu cầu từ thị trường lớn nên nghề này giúp cả làng có việc, đắt hàng quanh năm. Trên thị trường hiện bán rất nhiều loại mì, miến với đủ màu sắc, chất lượng, giá cả khác nhau. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của Zing.vn, với dân trong nghề, loại mì sử dụng cho người nhà, đặt riêng khác hoàn toàn với mì sản xuất ra thị trường, cả về giá, chất lượng lẫn tính an toàn.
Nhà chị Hiền (Minh Khai, Hoài Đức, Hà Nội) chuyên sản xuất mì gạo hay còn gọi là bún khô. Trung bình mỗi ngày nhà chị xuất cho các đại lý khoảng 3 tạ mì, chưa kể nhiều mối buôn lớn thi thoảng lại về đánh ô tô cả tấn mì đi các tỉnh. Chị Hiền cho biết, giá buôn mì gạo thay đổi thường xuyên theo gạo trên thị trường nhưng thực tế lại được làm từ tấm để tiết kiệm vốn. Hiện giá tấm ở mức 85.000 đồng/10 kg nên chị Hiền để giá cho mối buôn lớn là 11.000 đồng/kg, đại lý nhỏ lẻ là 12.500 đồng/kg, mỗi ngày xuất 3 tạ chị thu về hơn 1 triệu đồng.
|
Mì bán ra ngoài được làm từ tấm, dùng thêm thuốc tẩy, phèn chua để giảm thời gian và vốn sản xuất. Ảnh: Duy Hiếu. |
Được hỏi về mì không dùng thuốc tẩy, phèn chua, chị Hiền cho biết, muốn đặt làm riêng loại đó, khách phải báo trước vài ngày và đặt một nửa tiền. Chị cũng báo trước, giá mì xịn loại này sẽ đắt hơn so với mì bán ra thị trường hiện nay, giá buôn khoảng 16.000 đồng/kg. Hiện tại Hà Nội, một số địa chỉ quảng cáo bán mì gạo sạch giá 35.000 - 40.000 đồng/kg.
Luôn tay đảo mì đang phơi trên phên dưới trời nắng, chị chia sẻ, mì bán ra làm từ tấm, phải dùng thuốc tẩy thì mới rút ngắn được thời gian đun và thêm phèn chua để mì dai, chua ngon. Nếu dùng thuốc tẩy, người làm chỉ cần đun trong 1 tiếng nhưng nếu không dùng, thời gian đun sẽ lên 1,5 tiếng, tốn điện, tốn công hơn. Ngoài ra, mì không hóa chất muốn ngon thì phải làm từ gạo chứ không phải từ tấm nên giá bán ra sẽ dội lên ít nhất là 1/3, khoảng 16.000 đồng/kg. Do giá cao, làm tốn công nên để làm nhanh, lãi lớn, các hộ sản xuất như nhà chị Hiền thường chỉ làm loại mì này theo đơn đặt hàng riêng từ người quen, người làng hoặc làm cho người thân trong gia đình ăn. Còn hàng để bán ra ngoài vẫn là loại mì từ tấm, sử dụng hàn the và thuốc tẩy.
Chị Hiền cũng tiết lộ, không chỉ riêng sản phẩm mì gạo nhà chị mà miến dong cũng tương tự. Riêng miến dong còn có nhiều loại pha thêm sắn để giảm giá thành sản xuất và dùng thêm thuốc tẩy, các loại thuốc nhuộm màu khác nhau tùy theo đặt hàng.
Theo thông tin từ kết quả khảo sát thực trạng ATVSTP tại các cơ sở sản xuất sản xuất miến dong, bún khô và bánh phở khô tại xã Minh Khai (Hoài Đức, Hà Nội) của trung tâm Kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, loại thuốc tẩy trắng được sử dụng trong sản xuất các sản phẩm kể trên là Natri hydrosulphat, axit HCL, thuốc tím và phèn chua để làm dai bột.
|
Nhiều người lo ngại về chất lượng mì, miến đã đặt hàng làm riêng với giá đắt hơn nhiều giá chợ. Ảnh: Duy Hiếu. |
Trong khi đó, người tiêu dùng các mặt hàng miến, mì, phở khô... lại chủ yếu mua hàng dựa vào kinh nghiệm và niềm tin về xuất xứ. Không phải ai cũng biết chuyện người làng nghề "phân biệt đối xử" với chính hàng hóa do họ tự sản xuất ra. "Xem sản phẩm, cứ có bao bì, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng là mình mua thôi, đặc biệt là các sản phẩm miến, mì giá thành rẻ thì mình chưa từng nghĩ sẽ bị ngâm hóa chất, thuốc tẩy", chị Nguyễn Oanh, nhà ở phố Nguyễn Đổng Chi (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Hoa (Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, cả nhà chị rất thích ăn các món nấu từ mì gạo, đặc biệt là hủ tiếu. Nhưng vì lo mì gạo bán ở chợ có sử dụng chất tẩy trắng nên chị Hoa chỉ đặt mua của một người quen tại Mê Linh (Hà Nội) với giá 35.000 đồng/kg. Từ kinh nghiệm chế biến và ăn mì nhiều năm, chị Hoa chia sẻ: “Mì gạo xịn, không sử dụng thuốc tẩy thì rửa ra nước trong, nấu hơi kĩ mới dai và ngon. Còn mì dùng thuốc tẩy rửa nước khá đục trắng, có khi chỉ trần qua cũng chín”. Các ngày lễ Tết, chị Hoa cũng đặt mua số lượng mì gạo lớn làm quà gửi vào Nam cho họ hàng, được mọi người rất thích.