Thống trị các siêu thị
Có điểm chung khi khảo sát các hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm tự chọn hiện nay là sự thống trị của các mặt hàng trái cây đến từ các nước ôn đới như táo, nho, kiwi, lê… Song, điều này cũng dễ lí giải, bởi các loại trái cây trên khí hậu nước ta không trồng được, nhưng lại rất hợp khẩu vị người Việt Nam.
Chiều 29/7, có mặt tại khu vực bán trái cây tại siêu thị Big C Thăng Long trên đường Trần Duy Hưng, Hà Nội, chúng tôi ghi nhận có tới ba kệ hàng bán táo có nguồn gốc xuất xứ New Zealand. Trong đó, kệ ngay cạnh lối vào bày bán mặt hàng táo Queen với giá chỉ 55.900 đồng/kg, kệ tiếp theo bán táo Fuji New giá 79.900 đồng/kg và kệ thứ 3 bán táo Ambrosia New giá 92.900 đồng/kg.
Táo Mỹ, Úc, New Zealand bán tại các siêu thị hiện nay
chỉ tương đương giá táo Trung Quốc.
Đây là giá bán khá rẻ so với mặt hàng táo có nguồn gốc tại quốc gia nổi tiếng về trái cây như New Zealand. Trước đây, giá bán 1kg táo loại này thường dao động từ 150.000 - 200.000 đồng/kg.
Sáng 30/7, chúng tôi tiếp tục khảo sát tại siêu thị Ocean Mark trên đường Phạm Ngọc Thạch, Hà Nội, và nhận thấy mặt hàng táo Queen tại đây giá bán còn thấp hơn cả ở BigC, là 54.900 đồng/kg. Ngoài ra, tại đây còn bán các loại táo với rất nhiều tên gọi khác nhau như táo Gala Mỹ, táo Granny Smith xanh, táo xanh Sireroo, táo Empire, táo Jass… giá bán chỉ từ 60.000 - 80.000 đồng/kg.
Trong khi đó, tại siêu thị Lotte Mart số 229 Tây Sơn, Hà Nội, trái cây nhập khẩu nhiều loại có giá tương đương hoặc cao hơn siêu thị Big C, Ocean Mark, như táo Fuji Mỹ giá 89.000 đồng/kg, táo Gala Mỹ 88.500 đồng/kg, táo Ambrosia 109.000 đồng/kg, táo Queen New Zealand 98.500 đồng/kg, táo Jazz New Zealand 79.000 đồng/kg, táo Envy 185.000 đồng/kg…
Không chỉ xuất hiện tại các siêu thị, các quầy bán hoa quả trên đường Nguyễn Quý Đức, Nguyễn Trãi, Phố Huế, chợ Kim Liên, chợ Đông Tác, chợ Hôm… cũng bày bán các loại táo, nho, lê được người bán hàng giới thiệu có nguồn gốc từ Mỹ,Úc, New Zealand kèm theo cả tem dán nhận diện, với giá bán 50.000 - 80.000 đồng.
Nhìn bề ngoài các loại trái cây này không khác là mấy so với táo, nho, lê bán trong các siêu thị, chỉ có điều không có tủ lạnh bảo quản.
Đi tìm lời giải
Để hiểu rõ về thị trường trái cây nhập khẩu, không nơi nào nắm rõ hơn Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), bởi đây là đơn vị chịu trách nhiệm kiểm dịch thực vật cho tất cả các lô trái cây trước khi vào Việt Nam.
Theo số liệu báo cáo mới nhất của Cục Bảo vệ thực vật, trong năm 2013 và 3 tháng đầu năm 2014, Việt Nam nhập khẩu trên 88.000 tấn táo quả, hơn 27.000 tấn nho, 741 tấn kiwi, trên 35.000 tấn lê và gần 52 tấn cherry.
Cụ thể, nhập khẩu từ Mỹ trên 15.000 tấn táo, gần 7.000 tấn nho và xấp xỉ 60 tấn lê; từ Úc năm 2013 hơn 94 tấn táo (năm 2014 chưa nhập khẩu lô nào) gần 3.000 tấn nho, 34 tấn kiwi, 180 tấn lê và 40 tấn cherry; từ New Zealand trên 2.500 tấn táo (năm 2014 chưa nhập khẩu lô nào), 62 tấn kiwi và 11 tấn cherry. Đặc biệt, nhập từ Trung Quốc xấp xỉ 69.000 tấn táo, 16.000 tấn nho và 35.000 tấn lê…
Khó phân biệt bằng mắt thường giữa táo Trung Quốc
và táo Mỹ, Úc, New Zealand.
Qua số liệu nhập khẩu trái cây của Việt Nam trong năm 2013 và 3 tháng đầu năm 2014 cho thấy, sản phẩm trái cây của Trung Quốc chiếm trên 60%. Một số thị trường như Úc, New Zealand từ đầu năm đến nay chưa nhập khẩu lô hàng mới, nên có thể khẳng định các loại trái cây như táo, nho đang bày bán tại các siêu thị hiện nay nếu đúng là tại các quốc gia đó là trái cây cũ nhập khẩu từ năm 2013.
Nhưng câu hỏi lớn nhất cần giải đáp ở đây, là các mặt hàng trái cây có nguồn gốc từ Trung Quốc như táo, nho, lê nhập khẩu về Việt Nam chiếm trên 60% hiện đang được tiêu thụ ở đâu, khi hầu hết các siêu thị, cửa hàng bán trái cây tại Việt Nam không thừa nhận mình bán hàng Trung Quốc?
Do đó, việc người tiêu dùng nghi ngờ các loại táo, nho, lê đang bày bán tại các siêu thị, cửa hàng là đồ Trung Quốc đội lốt là có cơ sở. Tuy nhiên, khi chúng tôi đặt nghi vấn, bản thân lãnh đạo, cán bộ Cục Bảo vệ thực vật thừa nhận, rất khó phân biệt được đâu là trái cây Trung Quốc đâu là của Mỹ, Úc, New Zealand, bởi bề ngoài chúng không khác nhau.
Trao đổi về thực trạng nhập nhèm giữa trái cây Trung Quốc và trái cây tại các nước Mỹ, Úc, New Zealand, Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm thủy sản & Nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Trọng Thừa khẳng định, 100% mặt hàng táo, lê, nho bày bán tại chợ, sạp ven đường không có tủ lạnh bảo quản đều là hàng có nguồn gốc Trung Quốc. Riêng mặt hàng trái cây bán tại các siêu thị thì ông Thừa cũng đành bó tay.
Theo ông Nguyễn Trọng Thừa, có rất nhiều nguyên nhân để các mặt hàng trái cây cao cấp có giá mềm như hiện nay, trong đó việc giao thương thuận lợi là một trong các nhân tố quyết định.
"Tại các quốc gia như Mỹ, Úc, New Zealand, họ phân chia trái cây thành rất nhiều loại khác nhau, từ thấp đến cao nên rất có thể các mặt hàng xuất khẩu sang Việt Nam có giá bán thấp, thuộc hàng phẩm cấp thấp hoặc sắp hết hạn sử dụng.
Tôi từng ăn táo loại 1 bên Mỹ, Úc có giá 8 - 10 USD/kg thấy giòn, thơm, ngon khác hẳn chất lượng táo nhập khẩu tại Việt Nam. Theo kinh nghiệm cá nhân tôi, nếu táo ăn bở, nhạt, bổ ra thấy hạt mọc mốc rêu nếu không phải táo Trung Quốc thì cũng là hàng sắp hết hạn sử dụng”, ông Thừa chia sẻ.
Hiện tại có tất cả 14 quốc gia đang có giấy phép xuất khẩu trái cây tươi vào Việt Nam theo các quy định về kiểm dịch thực vật của Chính phủ.
Các nước này bao gồm: Ấn Độ (1 loại), Argentina (4 loại), Canada (2 loại), Chile (4 loại), Hàn Quốc (3 loại), Hoa Kỳ (4 loại), Mexico (1 loại), Nam Phi (3 loại), New Zealand (8 loại), Peru (4 loại), Philippines (1 loại), Thái Lan (24 loại), Trung Quốc (4 loại), Úc (38 loại).
Trong khi đó, Việt Nam hiện chỉ xuất khẩu được sang các quốc gia trên một số mặt hàng như: thanh long, vú sữa, chôm chôm, xoài và mới đây là vải thiều.