Người trồng cho hay phải đổ bỏ những trái hư hỏng nhẹ và cả những trái lớn nhưng chưa đạt chuẩn mà các doanh nghiệp và nhà nhập khẩu giảm bớt thu mua. Nếu trước đây các trái này được bán với giá 1.000-2.000 đồng thì nay chỉ 300-5.000 đồng.
|
Thanh long đổ đầy đường ở Bình Thuận. Trung Quốc đưa ra 3 tiêu chuẩn mới cho trái thanh long: Trọng lượng trái phải đều, khoảng 3 trái một kg; vẩy thanh long phải tươi; màu sắc phải hồng (không xanh quá, không hồng quá). Chính vì những quy định khắt khe này mà nhiều nông dân phải đổ bỏ sản phẩm vì không đạt chuẩn. Ảnh: Người Lao động
|
Trao đổi với VnExpress.net, Phó chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, Trần Ngọc Hiệp cho hay, tại Bình Thuận hiện tượng đổ bỏ diễn ra nhiều hơn so với năm ngoái, chiếm gần một phần trăm sản lượng thu hoạch, chủ yếu là hàng loại, kém chất lượng không thể xuất khẩu. Nếu trước đây những trái sâu bị đổ bỏ, thì nay có thêm một số sản phẩm chưa đạt yêu cầu mà thị trường trong nước không mua với giá tương xứng. Gần đây Bộ Giao thông Vận tải đưa ra quy định siết chặt tải trọng khiến tình trạng vận chuyển hàng hóa xuất đi nước ngoài của nhiều doanh nghiệp chậm, dẫn đến hàng ùn ứ và hư hỏng.
Ông Hiệp cho biết thêm, lâu nay 80% sản phẩm thanh long của Việt Nam xuất qua Trung Quốc. Gần đây, Trung Quốc siết chặt hơn quy định nhập khẩu, đặc biệt rệp sáp đang là đối tượng kiểm dịch chính của quốc gia này, nếu trên trái xuất hiện loại rệp này thì doanh nghiệp Trung Quốc sẽ không mua. Ông cũng nhấn mạnh, tình hình thanh long đổ bỏ cũng chỉ diễn ra nhất thời, chủ yếu là các vụ mùa mưa. Hiện thanh long loại ngon xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc vẫn ở mức giá 10.000-12.000 đồng một kg.
Khó khăn hơn tỉnh Bình Thuận, tại Tiền Giang, ông Huỳnh Hồng Ửng, Chủ tịch Hợp tác xã Thanh Long Chợ gạo (Tiền Giang) cho hay, giá thanh long ruột đỏ tại đây đang dao động ở mức rất thấp 3.000-4.000 đồng một kg, lượng hàng xuất khẩu đi cũng ít. Trung Quốc đang rất cần nguồn hàng nhưng khá gay gắt trong việc kiểm tra chất lượng sản phẩm. Chỉ cần trái có xuất hiện đốm trắng nhỏ trên thân là bị loại bỏ.
“Vì là mùa mưa, dịch bệnh lan tràn, có vườn không lấy được trái nào, có vườn chỉ chọn lọc được 20%. Người nông dân đang khóc ròng”, ông Ửng nói. Một số hộ trồng thanh long ở Tiền Giang đang lỗ nặng, số còn lại chỉ đủ chi phí chăm sóc nên đang cầm cự.
Giải thích thêm về thị trường xuất khẩu, ông Ửng cho hay, nguồn hàng khá dồi dào nhưng hàng xuất khẩu lại thiếu vì trái thanh long Việt chưa đạt chuẩn. Theo ông, nông dân Việt còn làm ăn theo kiểu "hên xui", chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chưa biết phòng chống bệnh cho trái thanh long, cho nên cung thì thừa mà cầu thì không có để đáp ứng.
Đại diện một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu thanh long ở TP HCM than thở, năm nay thanh long được mùa, tuy nhiên sản phẩm đạt chất lượng không nhiều, doanh nghiệp cố hết sức để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân nên lỗ cả trăm tỷ vì không xuất được nhiều.
Bên cạnh đó, vị giám đốc này cho hay, 80% thanh long của công ty đang xuất sang Trung Quốc, 10% còn lại tiêu thụ trong nước, 10% sang các nước châu Âu. Thị trường châu Âu trồi sụt, Trung Quốc đang siết chặt khiến lượng hàng xuất khẩu của công ty ông thay vì đạt 100% như trước đây, nay chỉ xuất được khoảng 20% sản lượng đã tuyển chọn và chiếu xạ.
Trước đây, một tháng ông xuất khoảng 60 tấn thanh long đã qua chiếu xạ sang thị trường Trung Quốc thì nay chỉ được hơn chục tấn. Để cầm cự, công ty ông chỉ giữ lại lượng nhân viên ở các khâu chủ chốt, riêng các khâu vệ sinh và đóng gói giảm 80% nhân sự.
Tiến sĩ Võ Mai, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Trái cây Việt Nam cũng nhân định, trái cây Việt Nam đang phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Đặc biệt, Trung Quốc đang là thị trường chính tiêu thụ trái thanh long của Việt Nam, trong khi đó, thị trường này đang lục đục nên việc nông dân và doanh nghiệp gặp khó khăn là điều khó tránh khỏi.
Bà cho biết, Hội cũng đang đẩy mạnh tìm các thị trường mới cho trái cây Việt Nam. Tuy nhiên, chuyện này không phải một sớm một chiều mà có thể làm được. Cơ quan chức trách cần vào cuộc, Nhà nước cần hỗ trợ cũng như định hướng nhiều hơn cho người nông dân, không để tình trạng trồng trọt tràn lan, chất lượng sản phẩm kém. Hiện các thị trường mới như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đang có nhu cầu về trái cây, tuy nhiên, Việt Nam chưa đáp ứng về tiêu chuẩn nên khó xuất khẩu. Do vậy, ngoài trách nhiệm định hướng, tìm thị trường, Nhà nước còn cần đẩy mạnh tiến bộ khoa học kỹ thuật đến với người nông dân.