Kinh nghiệm của những bà nội trợ lành nghề là chọn gấc là chọn những quả có dáng tròn đều, gai nở đều, vỏ ngoài màu đỏ cam và cầm phải nặng tay. Riêng tôi nhà có trồng gấc, nên tôi thấy những quả gấc kích thước vừa phải, hình dáng hơi thuôn dài, vỏ bên ngoài nổi rõ múi (khía) thường ngon hơn những quả tròn xoe dáng "đèn lồng". Đó chính là gấc nếp, cùi mỏng, ruột nhiều màu đỏ đậm. Chú ý là nên mua những quả gấc lành lặn để có thể để được lâu. Nếu chẳng may quả gấc đã vỡ thì khi mang về phải chế biến ngay, còn nếu muốn để lâu thì lấy ngay ruột quả ra cho vào hộp kín bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh.
2. Cách chế biến cùi gấc
Dinh dưỡng của quả gấc không chỉ nằm ở phần ruột đỏ mà còn cả ở phần thịt quả màu vàng. Nên bạn đừng vứt đi mà hãy lấy thìa nạo sạch, cắt nhỏ rồi cho vào đồ cùng với xôi. Món xôi của bạn sẽ tăng thêm độ ngậy rất ngon.
Phần ruột gấc đỏ thì để riêng, trộn với một ít rượu trắng rồi dùng thìa đánh nhiễn ra sao cho quanh hạt gấc chỉ còn bám lớp vỏ mỏng màu sáng. Rượu sẽ khiến cùi gấc dễ đánh nhiễn và cho món xôi gấc của bạn màu đỏ đều hơn (nếu không đánh nhiễn phần cùi đỏ, món xôi của bạn sẽ có màu loang lổ đỏ không đều do gấc bị vón)
Và đừng quên cho một ít muối xóc đều cùng với gạo trước khi đồ xôi bạn nhé.
3. Cách đồ xôi
Tôi còn nhớ ngày còn nhỏ, bà ngoại tôi thường dùng chõ đất nung để đồ xôi rất cầu kì. Sau khi kiếm một cái nồi lót dưới chõ, phải trát bùn cho kín xung quanh. Do nhà ở phố, việc kiếm đất bùn đôi khi khó khăn thì bà phải lót giấy bản, lá chuối … để cho kín hơi. Trong khi nấu thì phải luôn chú ý quan sát trông chừng do sợ bị hở, hơi thoát ra mất. Vậy mà nhiều lúc mẻ xôi vẫn hỏng, gạo nửa sống nửa chín, lúc đó chỉ còn nước đổ ra nấu chè hoặc cháo.
Hiện nay rất tiện lợi, chỉ cần một cái nồi cơm điện cũng đảm bảo các chị em nội trợ không bao giờ gặp phải tình trạng trên. Nhưng bạn nhớ lấy một chiếc đũa để xiên xuống gạo từ trên mặt đến sát đáy chõ để thành những cái lỗ nho nhỏ nhé. Những cái “ống dẫn hơi” xinh xinh này sẽ khiến xôi của bạn chín đều từ trên xuống dưới. Tránh được tình trạng lớp gạo bên trên thì quá khô còn lớp bên dưới lại quá nhão vì nhiều hơi nước.
Và khi xôi đã chín mềm, bạn chỉ cần đổ ra khay/mâm, trộn đều với dầu ăn hoặc mỡ nước (nên dùng mỡ gà là ngon nhất) và đường (nhiều ít tùy khẩu vị của bạn. Nhiều người thích thêm nước cốt dừa nhưng cá nhân tôi cho là sẽ át mất mùi gấc) rồi đơm vào đĩa là bạn đã có một đĩa xôi gấc ngày tếtmiễn chê rồi.