Hầu như khu bán bánh trái ở bất kỳ ngôi chợ nào ở miền Tây cũng có món bánh đúc mặn nước cốt dừa. Sáng sáng, đi chợ sớm, các bà các cô hay ghé lại bên sạp bánh mặn. Chưa ăn, chỉ cần nhìn thấy người bán hàng tay thoăn thoắt xẻ từng miếng bánh trắng phau, nghe mùi nước cốt dừa, mùi rau thơm hòa quyện vào nhau thì không ăn cũng không đành. Món này chế biến rất đơn giản, nguyên liệu lại dễ tìm nên bạn hoàn toàn có thể tự tay chuẩn bị cho gia đình như một món điểm tâm.
Nguyên liệu
300g bột gạo
50g bột năng
200ml nước cốt dừa
Một củ sắn (củ đậu)
Một củ cà rốt
100g thịt
100g tôm
200g giá đỗ, rau thơm
Gia vị: nước mắm, muối, chanh, đường, tỏi, ớt.
Thực hiện
Công đoạn đầu tiên và cũng là khâu quyết định món bánh mặn của bạn có thành công hay không là pha bột và hấp bánh. Nhớ mua bột gạo và nước cốt dừa ở những cửa hàng quen để đảm bảo chất lượng. Bột cũ, nước cốt dừa đã để lâu sẽ làm bánh có vị chua, mất ngon.
Bánh đúc ngon, trước hết nhờ phần bột mịn, mềm và béo. Vì thế khi pha bột nên cho nhiều nước (300g bột với 1,5 lít nước, 200ml nước cốt dừa, thêm 1/2 muỗng cà phê muối). Khuấy mạnh tay cho bột tan đều. Lưu ý, nếu chia bột vào các khay nhỏ để hấp nhiều lần thì trước mỗi lần nên khuấy đều để bột không bị đọng lại dưới lớp đáy. Cho bột vào nồi hấp cách thủy trong khoảng 30 phút. Dùng đầu đũa nhỏ xiên thử thấy không bết dính là bánh đã chín.
Có thể làm nhân bánh chay chỉ với cà rốt và củ sắn xắt hột lựu
Nhân bánh thường được làm từ củ sắn, cà rốt với tôm và thịt bằm. Tuy vậy, cho những ngày như rằm hay mồng một, bạn cũng có thể chế biến nhân chay chỉ với hai loại củ nói trên. Củ sắn, cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, xắt hột lựu. Tôm và thịt cũng rửa sạch và bằm nhuyễn rồi trộn đều với củ. Một số nơi chỉ dùng cà rốt bằm nhuyễn với ruốc, vừa đơn giản, vừa khiến nhân bánh có màu đỏ cam tự nhiên bắt mắt. Cho hỗn hợp nhân vào chảo xào cho chín, thêm 1/2 muỗng cà phê muối, một muỗng cà phê đường, đảo đều.
Rau củ và tôm thịt bằm nhuyễn hòa quyện vào nhau cho nhân bánh thêm đậm đà
Bánh đúc nước cốt dừa có ngon hay không còn phụ thuộc vào “tài nghệ” pha nước mắm của bạn. Nước chấm bánh đúc cũng tương tự như bánh xèo – khá loãng, dịu và hơi ngọt. Để pha một chén nước mắm loãng kiểu này, chỉ cần 1 phần nước mắm với 3 phần nước, thêm một muỗng canh nước cốt chanh, một muỗng canh đường cùng với tỏi ớt băm. Nếu ăn liền, có thể dùng nước dừa xiêm thay nước sẽ cho mùi thơm và vị ngọt thanh rất dễ chịu.
Vài lát rau thơm và giá sống rắc lên bề mặt cho đĩa bánh thêm chút “tươi xanh” và có vị cay nồng
Khi ăn cắt bánh thành từng lát xéo nhỏ xếp ra đĩa, múc một hoặc hai muỗng nhân bánh để lên trên mặt cùng với rau thơm, giá. Chan một muỗng nước mắm lên khắp đĩa bánh rồi từ từ thưởng thức vị béo của bột hấp, vị ngọt của nhân, vị cay nồng của rau thơm, giá sống và nước mắm.
Theo PNO