Một số người hướng dẫn, những tháng cuối thai kỳ, nên nấu nước lá tía tô uống thay nước hằng ngày; khi xuất hiện cơn đau chuyển dạ, uống liên tục khoảng 0,5 - 1 lít đậm đặc. Để cuộc chuyển dạ diễn ra nhanh hơn, vài tuần trước khi sinh, bà bầu nên ăn nhiều thơm hoặc uống nước ép trái thơm. Nhiều bà mẹ đã trấn an nhau, những phương cách dân gian này, dù chưa được khoa học chứng minh nhưng không tổn hại gì, có thể thoải mái áp dụng.
Thực hư công dụng
BS Huỳnh Tấn Vũ - giảng viên Khoa Y học cổ truyền, ĐH Y dược TP.HCM cho biết, nhiều người vẫn quan niệm Đông dược không độc nên cứ dùng thoải mái. Tuy nhiên, khi chưa biết thực hư công dụng mà “uống đại” sẽ rất nguy hiểm. Phân tích từng bài thuốc trên, BS Huỳnh Tấn Vũ chỉ rõ:
Hoa hướng dương vị ngọt, tính bình, không độc, có một số chất như glucoside flavonic, cryptoxanthin, lutein, taraxanthin và một ít caroten… có tác dụng chữa một số bệnh phụ nữ như thống kinh, bế kinh, khí hư, băng huyết rong kinh, viêm loét âm đạo. Những sản phụ khó sinh có thể dùng đài hoa hướng dương sắc uống để quá trình sinh nở diễn ra nhanh hơn, nhưng chỉ uống trong lúc chuyển dạ. Sau khi sinh, nếu bị đau bụng, có thể dùng nhụy hoa hướng dương lượng vừa đủ sắc uống.
Chị em cần lưu ý, mỗi bộ phận như hoa, lá, thân, rễ, hạt… có từng công dụng khác nhau. Vị thuốc từ hoa hướng dương khác với vị thuốc từ thân cây hoa hướng dương. Thuốc từ thân cây hoa hướng dương có thể gây sẩy thai, nếu dùng nhầm sẽ rất nguy hiểm.
Trong tía tô có tinh dầu, chủ yếu là perilladehyd, l-perilla-alcohol, limoneli, pinen, dihydrocumin; ngoài ra còn có elsholtziaketone. Tía tô có tác dụng ra mồ hôi, lợi tiểu, trừ cảm lạnh, trị ho, thở khò khè, đau bụng, trướng bụng, nôn mửa khi có thai, có thai đau bụng ra huyết…; không có tác dụng giúp dễ đẻ, giảm đau đẻ. Chưa kể, lá tía tô có tính ấm, cơ thể thai phụ lại nóng, uống thay nước hằng ngày có thể dẫn đến tăng huyết áp với các biểu hiện mệt mỏi, choáng váng, thở nông… rất nguy hiểm.
Thơm (còn gọi là dứa, khóm) có vị ngọt, hơi ngứa, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, tiêu độc, chỉ huyết. Trong thơm tươi hoặc nước ép thơm có nhiều vitamin A, C, kali, magiê và bromelain - có tác dụng co bóp, làm mềm tử cung, giúp cuộc chuyển dạ diễn ra nhanh hơn.
Tuy nhiên, thai phụ nên cẩn trọng khi áp dụng phương pháp này, vì nếu ăn quá nhiều thơm lúc mang thai, có nguy cơ sẩy thai hoặc sinh non do xuất hiện những cơn co thắt. Chưa kể, thơm mọc sát đất, trong quá trình thu hoạch, vận chuyển, các loại nấm có cơ hội phát triển, xâm nhập vào bên trong. Tùy cơ địa, một số người có thể ngộ độc thơm với biểu hiện khó chịu, mệt mỏi, ngứa, nổi mề đay, đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, khó thở, hạ huyết áp... Nếu cấp cứu không kịp, có thể dẫn tới tử vong. Thai phụ lại là đối tượng dễ ngộ độc hơn người bình thường.
“Không nên tùy ý sử dụng cây thuốc, vị thuốc các loại hoa, quả trong quá trình chuyển dạ, vì mỗi loại chỉ thích hợp trên từng cơ địa, trên cụ thể từng bệnh lý, dùng thuốc gì phải có sự tư vấn của thầy thuốc, nhất là thầy thuốc sản khoa” - BS Huỳnh Tấn Vũ khuyến cáo.
Các phương pháp giảm đau khi chuyển dạ
TS-BS Lê Thị Thu Hà - BV Từ Dũ TP.HCM cho biết, ở người sinh con rạ, thời gian chuyển dạ kéo dài từ 6 - 12 giờ; ở người mới sinh con lần đầu, thời gian có thể tăng lên gấp đôi, từ 12 - 24 giờ. Dù vậy, cũng có người chuyển dạ nhanh hơn. Lúc mới chuyển dạ, cơn gò tử cung thường nhẹ và thưa, khoảng mười phút mới xuất hiện hai - ba cơn gò nên ít đau. Về sau, cơn gò xuất hiện nhiều hơn với thời gian dài hơn và cường độ mạnh hơn, làm sản phụ đau nhiều. Do cảm giác đau ở mỗi người khác nhau nên có người đau ít, người đau nhiều, quan trọng là do tâm lý, khả năng chịu đau của mỗi người.
Có nhiều phương pháp giảm đau trong chuyển dạ, từ các phương pháp không dùng thuốc như: thư giãn, tập thở, liệu pháp tâm lý, sinh lý, thôi miên, châm cứu… đến các phương pháp dùng thuốc mê, thuốc giảm đau, rồi đến các phương pháp gây tê vùng, gây tê trục thần kinh, gây tê đám rối, gây tê ngoài màng cứng, gây tê tủy sống hay kết hợp giữa gây tê ngoài màng cứng và gây tê tủy sống… Mỗi phương pháp đều có những ưu khuyết điểm riêng, nhưng nói chung các phương pháp giảm đau trong chuyển dạ góp phần giúp cho việc sinh nở trở nên dễ dàng, thuận lợi.
Hiện nay, phổ biến nhất ở các cơ sở sản khoa là phương pháp gây tê ngoài màng cứng hoặc tủy sống. Ưu điểm của phương pháp này là giúp giảm đau nhanh. Hiệu quả của thuốc chỉ khu trú một vùng nên sản phụ vẫn cảm nhận được toàn bộ quá trình chuyển dạ và sinh con của mình. Nếu thực hiện đúng kỹ thuật và chỉ định, việc gây tê ngoài màng cứng hầu như không ảnh hưởng gì về sau. Một số tác dụng phụ có thể gặp như chóng mặt, đau đầu nhẹ, hạ huyết áp, lạnh run, buồn nôn, nôn, đau lưng, rối loạn chức năng bàng quang… Tuy nhiên, các biến chứng này có thể dự phòng được bằng kỹ thuật của các bác sĩ và tôn trọng các chống chỉ định. Những chống chỉ định của gây tê ngoài màng cứng và gây tê tủy sống bao gồm: dị ứng với thuốc tê nhóm amide, tụt huyết áp nặng chưa điều chỉnh được, đang dùng thuốc chống đông máu, viêm cấp tính, nhiễm trùng huyết, bệnh lý thần kinh - tủy sống, bệnh cột sống như lao, u bướu…
Theo TS-BS Lê Thị Thu Hà, nếu sợ đau khi sinh và thuộc đối tượng không thể áp dụng kỹ thuật dùng thuốc, sản phụ nên đến bệnh viện để được tư vấn và áp dụng các phương pháp không dùng thuốc. Dù không giảm đau như phương pháp dùng thuốc nhưng cũng giúp cuộc sinh nở nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Tuyệt đối không sử dụng bừa bãi các bài thuốc giúp giảm đau, chuyển dạ nhanh khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
theo phunuonline