Nói chuyện liên tục với con
Dù lúc này bé mới bập bẹ thậm chí chưa nói được từ gì ngoài mấy tiếng “hú đơn sơ” thì cha mẹ vẫn nên nói chuyện liên tục cùng con. Khi còn nhỏ, việc bé tăng vốn từ vựng và dần biết nói sẽ thông qua 1 cách duy nhất là lắng nghe mọi người nói chuyện với nhau.
Chị Hà My (Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) chia sẻ: “Ngay hàng xóm nhà mình có con bé con 9 tháng tuổi đã bi bô, bập bẹ, được mẹ bé mách cách giúp bé nhanh nói, ngày nào mình cũng nói chuyện với con. Giao tiếp với con đôi khi giống như là độc thoại bởi lúc này bé chưa nói được, vốn từ còn quá ít, phản ứng với các câu hỏi của mình thường bị chậm, nhưng mình tin chỉ cần nói chuyện nhiều, con sẽ nhanh biết nói!”.
Nhiều chị em cũng đồng tình với cách này: họ nói chuyện, hỏi han con liên tục. Ví dụ: “Con gấu ở gần tivi có xinh không con? Con có yêu mẹ không? Con hát mẹ nghe nói…”
"Giao tiếp với con đôi khi giống như là độc thoại"... (Ảnh minh họa)
Kể truyện cho con nghe trước khi đi ngủ
Không bao giờ là quá sớm để bắt đầu đọc truyện cho trẻ. Ngoài việc giúp con đi vào giấc ngủ được ngon hơn, sâu hơn thì việc đọc truyện sẽ khiến bé được tiếp nhận nhiều từ vựng “hay ho” từ những cuốn truyện cổ tích.
Bé có khả năng lĩnh hội ngôn ngữ và phát triển nhận thức tốt hơn hẳn những trẻ khác là bởi bố mẹ chúng thường xuyên đọc truyện cho nghe từ khi còn rất nhỏ.
Việc cha mẹ đọc truyện cho nghe khi chưa đến tuổi đi học cực kỳ có lợi, điều này sẽ giúp phát triển tốt kỹ năng ngôn ngữ cho bé.
Không bao giờ là quá sớm để bắt đầu đọc truyện cho trẻ (Ảnh minh họa)
Cho bé nghe nhạc
Trẻ em rất thích nghe nhạc, nhất là những bản nhạc vui vẻ, rộn ràng, bé thường chuyển động nhún nhẩy cùng âm nhạc. Khi ấy bé sẽ có khung hướng chú ý đến nhịp điệu tiết tấu của giai điệu đó. Và điều này rất tốt cho sự phát triển ngôn ngữ của bé.
(Ảnh minh họa)
Gợi ý bé tham gia trò chơi
Bạn hãy lôi tất cả số đồ chơi và rủ rê bé chơi cùng. Bạn có thể “nhờ” vài bé hàng xóm tới chơi với con. Việc tham gia chơi nhóm sẽ giúp bé tự tin hơn, năng “mày mò” cách chơi với mọi người sao cho hợp lý hơn. Đây là một bí quyết nhiều chị em lựa chọn để phát triển ngôn ngữ cho con.
(Ảnh minh họa)
Không chê bai bé
Dù bé biết nói chậm, bạn nên kiên nhẫn, tích cực nói chuyện với con, không nên “dài mồm” chê bai trước mặt bé: “Ôi, Misu lúc nào cũng câm như hến ấy nhỉ!”, “Con nói gì đi chứ, từng này tháng tuổi rồi mà vẫn câm như thóc thế à?”
Xem tivi đúng cách
Chị Tú Ngọc (Phương Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Việc cho con xem tivi vô tội vạ là cách ngăn bé biết nói sớm. Việc giao tiếp một chiều với cái tivi khiến bé ngại nói vì thế khi bé Bi dưới 2 tuổi, mình chẳng cho con xem tivi. Chỉ khi bé trên 2 tuổi mình mới cho con xem ca nhạc, phim hoạt hình nhưng xem có giới hạn giờ giấc”.
Tuy nhiên, nhiều chị em khác lại cho rằng, dù cho bé xem tivi sớm nhưng không "lạm dụng", xem có chừng mực, bên cạnh đó vừa xem, mẹ vừa ngồi cạnh "kể lể" với bé những gì vừa diễn ra trên tivi cũng là một cách hay để bé nhanh biết nói.
(Ảnh minh họa)
Năng đưa bé tới những khu vui chơi công cộng
Những chuyến đi ngắn tới vườn bách thú, bách thảo, bảo tàng, khu công viên dành cho trẻ con… sẽ mở ra chân trời kiến thức mới cho con. Hơn nữa, ngoài việc khiến bé đỡ nhát, những hoạt động bổ ích này cũng giúp con nhận biết chính xác tên các loại động, thực vật và tích lũy vốn từ sinh động cho cuộc sống sau này.
(Ảnh minh họa)
Chỉ và gợi ý cho bé
Có thể là những đồ vật trong nhà, hoặc có thể bạn khuôn về một vài thứ đồ vật nho nhỏ từ đâu đó. Bạn đọc tên đồ vật cho bé nghe vài lần. Sau đó, bạn hỏi lại: “Cái đó là cái nào?” và hướng dẫn bé mang tới cho bạn. Lúc này trí nhớ của bé phải vận động để nhớ lời mẹ dặn. Đây là cách hay để bạn giúp con nhớ và học từ mới.
Hát cho bé nghe
Bạn có thể hát cho bé nghe những bài hát thiếu nhi, vè, thậm chí là đọc ca dao, tục ngữ, thơ... Bạn hãy yên tâm rằng, điều này sẽ khiến bé rất thích thú. Mỗi bài hát, bài thơ bạn nên “tua đi tua lại” vài lần trong vài hôm. Quá trình lặp đi lặp lại các từ trong bài hát sẽ là bước đầu tiên để bé ghi nhớ những lời mà bé yêu thích, từ đó, con sẽ rất nhanh hát theo.
(Ảnh minh họa)