Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế ngày 14-11 cho biết trong tuần qua, cả nước ghi nhận thêm 2.622 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (TCM) tại 56 địa phương, nâng tổng số ca mắc TCM trên toàn quốc lên gần 87.500 trường hợp; hiện đã có 147 trẻ tử vong tại 28 tỉnh, TP.
Lừng khừng công bố dịch
Theo ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), dù số ca mắc trong tuần qua vẫn ở mức cao, tương đương với những tuần trước đó nhưng may mắn là cả nước không có thêm ca tử vong mới do bệnh TCM.
Cục Y tế dự phòng cho biết sau tỉnh Ninh Thuận, hiện chưa có thêm địa phương nào công bố dịch. Theo đánh giá của 16 đoàn kiểm tra tại các địa phương thực hiện công điện của Thủ tướng về phòng chống dịch TCM, các tỉnh, thành, nhất là các “điểm nóng” của dịch TCM, đang kiểm soát tốt dịch bệnh, chưa có địa phương nào lên tiếng dịch ngoài tầm kiểm soát.
Về việc Ninh Thuận không phải là “điểm nóng” của dịch bệnh TCM nhưng lại công bố dịch, Cục Y tế dự phòng cho rằng tùy tình hình dịch bệnh, tốc độ gia tăng cũng như khả năng ứng phó với dịch của từng địa phương mà địa phương ấy có quyền quyết định công bố dịch. Việc công bố dịch không căn cứ vào số người mắc và tử vong.
Đại diện Bộ Y tế cho biết thời điểm này chưa thể xác định địa phương nào sẽ tiếp tục công bố dịch vì phụ thuộc vào diễn biến tình hình cũng như sự kiểm soát dịch bệnh của từng địa phương. Sau khi có thông báo của tỉnh Ninh Thuận, Bộ Y tế đã có công điện tham mưu gửi Sở Y tế tỉnh Ninh Thuận, đồng thời cử đoàn công tác tới địa phương này để hỗ trợ kỹ thuật và hướng phòng bệnh.
Ông Nguyễn Văn Bình cho biết theo luật, dịch bệnh nhóm B chỉ được Bộ Y tế công bố khi có 2 tỉnh trở lên công bố dịch. Nếu đủ các yếu tố, Bộ Y tế sẽ công bố dịch TCM cấp quốc gia.
Số trẻ em nhập viện vì bệnh tay chân miệng vẫn tiếp tục tăng ở Ninh Thuận, tỉnh đầu tiên công bố dịch hôm 8-11.
Số bệnh nhân tay chân miệng tăng mạnh
Đến chiều 14-11, sáu ngày sau khi tỉnh Ninh Thuận công bố dịch, số ca nhiễm bệnh tại tỉnh này tiếp tục tăng. Đã có hơn 600 trường hợp mắc bệnh, trong khi con số này vào ngày công bố dịch chỉ là 471 người. Bác sĩ Lê Minh Định, Giám đốc Sở Y tế Ninh Thuận, cho rằng mặc dù ngành y tế đã triển khai đồng loạt nhiều biện pháp để dập dịch, như phun thuốc sát trùng những khu vực “rốn” dịch, tăng cường hướng dẫn các bà mẹ nuôi con nhỏ cách giữ gìn vệ sinh chung, điều trị các ca bệnh theo phác đồ của Bộ Y tế, huy động tổng lực các ngành, các cấp vào cuộc… nhưng diễn biến của dịch bệnh này vẫn còn hết sức phức tạp.
Trước tình hình này, UBND tỉnh đã quyết định bổ sung ngân sách địa phương để tăng cường cơ số thuốc Gamma Globuline nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các ca tử vong. “Ba bệnh nhi không qua khỏi, từ đầu năm đến nay, là điều hết sức đau lòng đối với những người làm công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân như chúng tôi” - bác sĩ Định chia sẻ.
Còn tại tỉnh Quảng Ngãi, bệnh đã xuất hiện tại 166/184 xã, thị trấn thuộc 14/14 huyện, TP trong tỉnh với hơn 6.770 trường hợp mắc bệnh, trong đó đã có 5 trường hợp tử vong. Đây là địa phương có tỉ lệ người mắc bệnh TCM cao nhất miền Trung.
Tại tỉnh Bình Định, theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh này, bệnh TCM đang trong tình trạng báo động, với trên 1.000 ca mắc, hầu hết là trẻ dưới 5 tuổi. Tính đến chiều 14-11, đã có 4 bệnh nhi tử vong. Ông Bùi Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Định, lo lắng với số lượng bệnh nhân ở mức cao thế này thì khả năng phát dịch là rất lớn, do vậy không thể chủ quan.
Tại tỉnh Bình Thuận, hiện toàn tỉnh có 989 trường hợp mắc bệnh TCM, trong đó có một bé 3 tuổi ở TP Phan Thiết đã tử vong. Bệnh tập trung nhiều ở TP Phan Thiết và 2 huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam.