Dấu hiệu dị ứng sữa: rất dễ nhầm
Dị ứng sữa bò không dễ nhận biết nếu triệu chứng không biểu hiện vài phút ngay sau khi uống hoặc khi bắt đầu ăn giặm các loại bột có chứa sữa. Biểu hiện hay gặp nhất ở trẻ dị ứng sữa bò là nổi mề đay, ngứa, rối loạn tiêu hoá sau khi uống. Đáng nói, dấu hiệu này rất dễ nhầm lẫn với bệnh về da, bệnh tiêu hoá nên nhiều cha mẹ không nghĩ tới nguy cơ con bị dị ứng để đi khám, mà chỉ bôi thuốc và vẫn tiếp tục dùng sữa nên tình trạng này không được cải thiện.
Biểu hiện dị ứng nhanh: thường xảy ra đột ngột với các biểu hiện như nổi mề đay, mẩn đỏ, phù nề, ói mửa, thở khò khè. Nặng hơn là sốc phản vệ toàn thân như mạch nhanh, nhẹ, tụt huyết áp, tím tái, khó thở… Ở trường hợp này bố mẹ cần đưa bé đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được dùng thuốc cấp cứu.
Biểu hiện dị ứng chậm: thường nhẹ hơn hoặc không rõ ràng như trẻ bứt rứt khó chịu, quấy khóc thường xuyên, ói mửa, đau bụng, đi cầu phân lỏng (có thể có máu), chậm tăng cân và tăng trưởng không đạt mức bình thường. Những triệu chứng này thường khó chẩn đoán vì rất giống với biểu hiện của nhiều bệnh khác.
Để chẩn đoán bệnh chính xác, cần cho trẻ làm xét nghiệm phân, xét nghiệm IgE đặc hiệu (ELISA) và thử dị ứng trên da.
Nếu trẻ bị dị ứng sữa, đừng xem thường mà phải chuyển sang dùng các loại sữa thay thế khác (ảnh chỉ mang tính minh hoạ).
Cần làm gì để cứu trẻ?
Nguyên tắc điều trị dị ứng sữa bò chủ yếu là: nếu trẻ dị ứng chậm, chỉ cần dừng ngay việc uống sữa bò (cả các loại sữa chua, phômai, bánh hay bột có chứa sữa...) Sữa mẹ là nguồn sữa an toàn nhất cho trẻ dị ứng. Tuy nhiên chế độ ăn của mẹ cần loại bỏ những thực phẩm chứa sữa, do các protein trong sữa bò có thể đi qua sữa mẹ. Bổ sung các loại probiotic như Lacto Bifidus giúp tăng miễn dịch đường tiêu hoá và giúp cải thiện tình trạng dị ứng đạm sữa của trẻ.
Nếu trẻ không có sữa mẹ, có thể thay sữa bò bằng các loại sữa có nguồn gốc đạm khác như sữa dê, sữa làm từ đạm đậu nành hay sữa bò có nguồn đạm đã thuỷ phân… Thời gian sử dụng các sản phẩm thay thế kéo dài từ 6 – 12 tháng, sau đó cho trẻ dùng lại sữa bò với lượng nhỏ tăng dần để kiểm tra sự dung nạp. Nhưng chú ý là trẻ vẫn có thể dị ứng chéo giữa đạm sữa bò và đạm đậu nành, nghĩa là vẫn có thể tiếp tục dị ứng sau khi đã đổi sữa, vì vậy nếu nghi ngờ trẻ dị ứng đạm sữa mẹ nên đến tư vấn bác sĩ chuyên khoa về quá trình điều chỉnh sữa cho trẻ. Chỉ trong trường hợp sốc phản vệ mới dùng thuốc giải dị ứng, giải mẫn cảm theo chỉ định của bác sĩ.
Tuy nhiên, do biểu hiện lâm sàng của dị ứng rất đa dạng, một số phản ứng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân, nên khi có biểu hiện của dị ứng, tốt nhất hãy đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để xác định chính xác và xử lý nhanh chóng, đúng cách, tránh các hậu quả không đáng có.
Phòng ngừa dị ứng sữa
Mẹ nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn đến bốn tháng tuổi và cố gắng không bỏ bú mẹ trước sáu tháng tuổi sẽ giúp trẻ giảm nguy cơ dị ứng đạm sữa nói riêng, các bệnh liên quan đến dị ứng như hen, chàm... nói chung. Không cho trẻ ăn phômai, uống sữa tươi trước 12 tháng tuổi.
Mọi người có liên quan đến trẻ phải biết trẻ bị dị ứng với loại thực phẩm nào (trường học, người giữ trẻ, cô giáo, ông bà...) Cha mẹ trẻ phải ghi rõ tiền sử dị ứng của trẻ trong hồ sơ liên quan, luôn kiểm tra kỹ thành phần ghi trên nhãn sản phẩm trước khi cho trẻ sử dụng và chuẩn bị sẵn một số thuốc chống dị ứng tại nhà để dùng khi cần thiết.
|