Sinh đẻ là hiện tượng sinh lý bình thường. Trong đa số trường hợp, việc sinh nở sẽ được thực hiện qua ngả âm đạo. Tuy nhiên, khi có những trở ngại trong lúc chuyển dạ, để bảo đảm an toàn cho mẹ và con, bác sĩ mới phải dùng đến phương pháp mổ lấy thai.
* Thưa PGS, nhiều người nghĩ mổ lấy thai an toàn hơn sinh thường, điều này có đúng không?
- Người ta thường lầm tưởng mổ lấy thai là an toàn tuyệt đối. Thực tế cho thấy tỉ lệ tử vong mẹ và tử vong chu sinh (trẻ tử vong từ lúc sinh ra cho đến 28 ngày sau sinh) ở các ca mổ lấy thai cao hơn so với các ca sinh thường. Tỉ lệ tử vong mẹ cũng tăng gấp bốn lần nếu mổ lấy thai so với sinh thường, ngay cả mổ chủ động, tỉ lệ tử vong mẹ cũng tăng 2,84 lần so với sinh thường.
Ảnh: L.TH.H.
Vì sức khỏe của bà mẹ và thai nhi, thái độ tốt nhất của người thầy thuốc và của cả sản phụ là không nên lạm dụng mổ lấy thai. Chỉ nên sử dụng khi cuộc sinh ngả âm đạo có nguy cơ ảnh hưởng đến mẹ hoặc con hoặc cả hai mẹ con
PGS.TS Vũ Thị Nhung
|
* Vì sao tử vong mẹ khi mổ lấy thai lại cao hơn sinh thường?
- Nguyên nhân những nguy cơ của mổ lấy thai là do tai biến gây tê, gây mê, do chảy máu, nhiễm trùng, tổn thương đường tiết niệu, thuyên tắc mạch. Ngoài ra, sẹo mổ trên tử cung có thể bị nứt trong những thai kỳ sau, nếu không xử trí kịp thời có thể dẫn đến tử vong cả mẹ lẫn con - nhất là nếu thời gian giữa hai lần mang thai quá gần. Mổ lấy thai còn có thể để lại những tai biến xa hơn như bệnh lạc nội mạc tử cung, dính ruột, tắc ruột.
Gần đây do tỉ lệ mổ sinh cao, đã xuất hiện khá nhiều trường hợp thai ở vết mổ cũ, nhau tiền đạo cài răng lược trong lần có thai sau. Những bệnh lý này rất nguy hiểm vì gây chảy máu rất nặng mà có khi phải cắt tử cung mới cứu được mẹ.
Ngoài ra, khi sinh mổ, thời gian nằm viện của sản phụ sẽ dài hơn, tốn kém nhiều hơn, đau đớn hơn, sự chăm sóc và cho con bú cũng bị ảnh hưởng nhiều hơn so với sinh thường. Vì vậy, cần phải cân nhắc kỹ lưỡng khi có chỉ định mổ lấy thai để tạo sự an toàn tối đa cho mẹ và con.
* Về phía thai nhi, bé ra đời bằng cách mổ lấy thai có nguy cơ gì không?
- Mổ lấy thai nếu đúng chỉ định sẽ giúp giảm tỉ lệ tai biến cho thai nhi. Tuy nhiên, mổ lấy thai cũng là nguyên nhân của những tai biến khác đối với trẻ như hội chứng suy hô hấp cấp ở trẻ sơ sinh.
Mổ lấy thai chủ động không qua chuyển dạ thì nguy cơ hội chứng suy hô hấp cấp cao gấp 2,6 lần, có chuyển dạ rồi mới mổ lấy thai nguy cơ này cao gấp 1,9 lần so với sinh thường. Trong khi hội chứng suy hô hấp cấp và sinh non là nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ sơ sinh.
Ngoài ra, trẻ sinh mổ còn bị suy giảm khả năng miễn dịch hơn trẻ sinh thường. Nguyên nhân là khi sinh mổ, trẻ giảm tiếp xúc với vi khuẩn trong những ngày đầu tiên sau sinh vì điều kiện vệ sinh vô trùng chặt chẽ khi mổ, trẻ không có nhiều cơ hội tiếp xúc với vi khuẩn cơ thể mẹ và vi khuẩn chủ yếu từ môi trường bệnh viện (khi bé nằm trong bệnh viện).
Trong khi đó, nếu sinh thường thì trẻ có nhiều cơ hội tiếp xúc với vi khuẩn cơ thể người mẹ khi đi qua đường âm đạo (vi khuẩn có sẵn ở âm đạo, phân) và môi trường xung quanh.
Trước khi ra đời, đường tiêu hóa của trẻ vô khuẩn. Đối với trẻ sinh thường, chỉ vài giờ sau khi sinh, loại vi khuẩn mà trẻ tiếp xúc khi đi qua âm đạo thường gặp là Bifidobacteria đã đến bám vào thành bộ máy tiêu hóa của trẻ sơ sinh, tạo nên một hàng rào bảo vệ không để những vi khuẩn gây bệnh đến sau có thể bám vào những chỗ này. Sự có mặt của các vi khuẩn “thân thiện” này giúp thành lập hệ thống miễn dịch, tạo đề kháng tốt cho trẻ và rất cần thiết cho sự phát triển cũng như điều hòa hệ thống miễn dịch của trẻ. Trong khi trẻ sinh mổ phải mất sáu tháng mới có được hệ vi khuẩn đường ruột giống như trẻ sinh thường. Sự chậm trễ này khiến trẻ sinh mổ dễ mắc một số bệnh như tiêu chảy, dị ứng (trong đó có hen suyễn).
* Như vậy, trường hợp nào mới phải mổ lấy thai?
- Thông thường có ba chỉ định mổ lấy thai. Về phía mẹ: có khung chậu hẹp hay lệch, dị dạng đường sinh dục, bất thường cơn co tử cung, sinh khó do cổ tử cung nhỏ, có vết mổ cũ mà không có điều kiện sinh ngả âm đạo, chuyển dạ kéo dài, dọa vỡ tử cung...
Về phía thai nhi: do thai to, ngôi thai bất thường, thai suy, mạng sống thai nhi trong tử cung bị đe dọa (vô ối, thai chậm tăng trưởng trong tử cung, thai quá ngày...). Hoặc phần phụ của thai có bất thường: sa dây rốn, nhau tiền đạo, nhau bong non.
Bé sơ sinh tử vong do không được chuyển viện?
Khoảng 1g sáng 1-11, thấy vợ là chị Nguyễn Thị Xuân có biểu hiện chuyển dạ, anh Trương Văn Hồi đưa vợ đến Bệnh viện Đa khoa Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Đến 12g30 chị Xuân được đưa vào phòng sinh.
Anh Hồi kể: “Đợi lâu quá, tôi tìm gặp nữ hộ sinh trực tiếp đỡ đẻ cho vợ và đề nghị nếu thấy khó sinh thì cho chuyển lên bệnh viện đa khoa tỉnh. Tuy nhiên, nữ hộ sinh nói sinh được. Đến khoảng 3g chiều cùng ngày vợ tôi sinh nhưng chỉ nghe một tiếng khóc của con, nhìn qua khe cửa thấy các bác sĩ, hộ lý đang hô hấp nhân tạo cho cháu bằng... tay. Nhưng cháu đã không qua khỏi”.
Theo lời anh Hồi, sau khi sinh chị Xuân đau bụng dữ dội, được đưa đi siêu âm nhưng thiết bị y tế nơi đây không đáp ứng, phải chuyển chị Xuân lên tuyến trên. Tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi, các bác sĩ đã phẫu thuật cắt bỏ tử cung của chị Xuân bởi “nếu không phẫu thuật kịp thời, chị Xuân khó qua khỏi” - một bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi cho biết.
Trong khi đó, theo ông Đặng Tuấn Lộc - giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sơn Tịnh, sau khi sự việc xảy ra, bệnh viện đã họp kíp trực hôm đó, rà lại tất cả các tình tiết liên quan.
“Chúng tôi khẳng định không có chuyện người nhà của chị Xuân xin chuyển lên bệnh viện tuyến trên để sinh. Về trường hợp chị Xuân, chúng tôi rất lấy làm tiếc. Tuy nhiên, thời điểm tử vong của cháu bé rơi vào khoảng 15 phút cuối (khi bé chuẩn bị rời khỏi bụng mẹ) và rất có thể do hai nguyên nhân: bị mất tuần hoàn giữa mẹ - con do dây rốn quấn cổ, dị tật bẩm sinh hệ hô hấp và tim mạch khiến cháu bé bị ngạt”, ông Lộc nhận định.
TRÀ GIANG
|