Nhìn con mà lòng chị tê dại. Đứa con gái xinh xắn, chăm ngoan mà vợ chồng chị đặt biết bao hy vọng thành ra ngơ ngơ ngẩn ngẩn từ ngày biết kết quả thi đại học.
Vợ chồng chị đều là dân lao động từ tỉnh lẻ lên thành phố lập nghiệp. Anh là thợ điện nước, ông chú họ là chủ thầu xây dựng, khi có công trình thì gọi đi theo. Nửa năm nay, không có thêm công trình mới nào, anh thành người thất nghiệp, chỉ quanh quẩn sửa điện nước trong xóm nhưng cũng ít việc nên kiêm luôn cả nghề bốc vác ngoài chợ. Chị thì bao năm vẫn kiếm sống bằng cái nghề đẩy xe đi bán hoa quả.
Thất học từ nhỏ nên chị thấm thía cái thiệt thòi của người ít chữ. Bởi thế, dù cuộc sống có lúc cùng cực, chị cũng cố để lo cho các con ăn học. Hai đứa con của vợ chồng chị thương bố mẹ quần quật cả ngày nên cũng tìm cách đỡ đần. Những lúc bố vắng nhà, đứa con trai thường dậy sớm giúp mẹ đẩy xe hàng nặng trịch ra ngõ. Đứa con gái lớn lo toan việc nhà, lại còn tìm việc làm thêm để có tiền đỡ đần cho mẹ. Chị hiểu con, nên can:
- Chúng mày lo học là thương mẹ rồi. Đời bố mẹ ít học nên mới khổ, chúng mày phải học để mà thoát nghèo.
Nhiều hôm đi bán hàng về, chị mệt mỏi, nhất là những ngày ế ẩm. Nước mắt chan lẫn với mồ hôi mặn chát. Nhưng về đến nhà thấy hai đứa con ngồi học bài chăm chỉ là chị lại thấy lòng nhẹ nhõm.
Con gái chị bước vào năm cuối phổ thông, chị chẳng muốn để nó phải đụng tay nhiều vào công việc. Rửa bát, lau nhà, giặt đồ… chị giành làm để con có thời gian học. Từ ngày nó ôn thi, bữa cơm có nhiều đồ ăn hơn, trong tủ lúc nào cũng có mấy bịch sữa. Con gái biết mẹ mua để bồi dưỡng cho mình nhưng cũng dè xẻn. Có hôm thấy nó mệt nhoài bên chồng sách vở, chị lại vuốt tóc an ủi:
- Cố lên con nhé. Con mà đỗ đại học là bằng cho mẹ cả núi tiền.
Không cần con gái phải hứa chị cũng đã nhìn thấy sự cố gắng của nó. Nó học liên tục, có đêm chỉ ngủ vài ba tiếng. Trên bàn học của nó dán chi chít những tờ giấy xanh, giấy vàng ghi những công thức toán học mà chị nhìn vào không biết cách đọc. Hôm nó đi thi, chị lọ mọ dậy từ sớm nấu xôi đỗ, chồng chị đưa con đi thi rồi chưa đến giờ đã lao đến đón con với biết bao hy vọng.
Vậy mà nó trượt. Nó không thông báo kết quả nhưng nhìn khuôn mặt buồn rười rượi của nó, chị biết. Bữa cơm tối hôm đó, chị chẳng nuốt nổi. Khổ tâm nhưng chị không trách mắng gì con vì chị hiểu nó đã cố gắng hết sức; mình buồn, nó còn buồn gấp vạn lần. Ông chồng vốn hay lắm lời vậy mà cũng trầm tính hẳn, đôi khi lại cất tiếng thở dài khiến chị phát bực. Chị cáu: "Đừng có mà như thế trước mặt con bé".
Con bé cũng không có biểu hiện bất thường, ngoại trừ việc nó ít nói hơn. Chị cố gợi chuyện rồi an ủi, nhưng những lúc đó con bé lại dễ mủi lòng nên chị cứ để nó được tự làm những việc nó thích. Hằng ngày, nó vẫn đi chợ, nấu cơm, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa tươm tất. Nhưng rồi càng ngày nó càng lặng lẽ như cái bóng trong nhà khiến chị lo. Và rồi một đêm, chị hoảng hốt khi nhìn thấy nó trèo lên lan can. Chị gào khóc khản cả tiếng, thậm chí chồng chị quỳ lạy van xin nó xuống. Hàng xóm cũng túa hết ra. Rồi nó hét lên phá vỡ sự câm lặng giam hãm nó suốt thời gian qua:
- Bố mẹ để con chết đi, con là đứa con vô tích sự. Chỉ có mỗi việc đỗ đại học mà con không làm được. Con đã phụ công sức và sự kỳ vọng của bố mẹ.
Khó khăn lắm mọi người mới giải cứu được nó. Chị ôm choàng lấy con giống như người ta tìm lại được thứ quý giá nhất mà mình nghĩ rằng đã mất.
Thu Nhật
theo .phunuonline