Anh có thói quen phóng xe thẳng vô nhà rồi mới tắt máy, dù nhiều lần cô nói mình không chịu được mùi xăng bức bí trong nhà và cả dấu vết bánh xe cùng đế giày của anh in đậm trên nền gạch hoa mà cô vừa lau láng bóng. Về tới nhà là anh bật ti vi trong phòng khách, cho dù con đang ngủ trong nôi gần đó. Rồi, anh ngay lập tức đi thẳng vô phòng tắm. Liếc mắt qua món trứng kho tàu cô dọn ra mâm, anh phẩy tay: “Ngày nào cơm văn phòng bữa trưa cũng có món này”. Trời mưa, không có nắng, áo quần phơi bốc mùi, anh cầm đưa lên mũi rồi nhăn mặt: “Em giặt cái này không sạch”...
Riết rồi cô chẳng buồn phản ứng nữa, viết lá đơn ly hôn để trên bàn, cô xách vali bế con về nhà má. Má im lặng nghe cô kể tội chồng, rồi từ tốn: “Chỉ vậy thôi hả con?”. Cô cười khổ, còn gì khác nữa?
Má ôm vai cô: “Nhà mình đã có chị Hai nuôi con một mình rồi, thêm con nữa thì má biết nói năng sao với hàng xóm láng giềng. Con thương má thì hãy quay về, vợ chồng có khi này khi kia”.
Nước mắt cô lã chã, chẳng lẽ vì nhà mình đã có chị Hai ly hôn mà cô phải chịu đựng suốt đời sao? Má thở dài: “Con hãy cố gắng một hai năm nữa, nếu vẫn không chịu được thì má sẽ không năn nỉ con thêm ngày nào”.
Cô bế con quay về, trong lòng tự nhủ, tối đa là hai năm nữa thôi, từ nay là chuỗi ngày hy sinh vì má. Tờ đơn ly hôn vẫn còn nằm trên bàn, chữ ký của cô vẫn còn in đậm. Cô xếp nó lại cất sâu dưới đáy tủ áo quần. Để đó, sau hai năm nữa, cô không xé đi vì không muốn mất công viết lại.
Má tới thăm vợ chồng cô thường xuyên hơn. Má chồng cũng vậy. Má chồng đi lui đi tới dọn dẹp cái này cái kia rồi la mắng con trai không biết phụ vợ một tay. Chồng cô nhún vai cười, cái kiểu cười nhạo thiên hạ được voi đòi tiên. Má chồng hạ giọng ngọt ngào mà nhấn từng tiếng: “Bình đẳng cho nên đàn bà thời nay hai vai gánh hai gánh đó con à, vừa việc nhà vừa việc cơ quan, coi như phải làm việc gấp đôi”.
Chủ nhật, hai người mẹ lại rủ nhau tới như thường lệ. Hai người mẹ chứng kiến chồng cô đang lấy áo quần từ máy giặt xỏ vô móc rồi phơi lên dây. Lần đầu tiên chồng cô làm việc này nên khi móc treo lên dây rồi thì ai nhìn cũng buồn cười vì áo quần xộc xệch. Trái với thường ngày ti vi lúc nào cũng oang oang, giờ thì im lặng, chỉ giọng chồng nhỏ nhẹ: “Em đi chợ sớm cho mát, để anh giữ con, lau nhà cho”.
Hai người mẹ kín đáo nhìn nhau cười, cái cười ý nói "tưởng vừa giữ con vừa lau nhà mà dễ à". Nhưng biết nói vậy và tâm thế sẵn sàng giúp vợ là tốt hơn nhiều rồi. Má chồng hỏi to: “Hai đứa ăn sáng chưa?”. Cô mỉm cười, lâu lắm rồi mới thấy cô cười tươi tắn: “Dạ Chủ nhật tụi con thường ăn trễ lắm”, rồi cô quay qua chồng: “Anh thích ăn gì để em mua?”. Chồng trả lời bằng giọng của người dễ tính: “Em thích ăn gì thì anh cũng thích ăn món đó”. Hai người mẹ lại nhìn nhau cười.
Hai năm trôi qua, cũng có thêm vài lần cô khóc vì giận, nhưng lá đơn nằm dưới ngăn áo quần thì cô đã xé đi. Hàng xóm trầm trồ hiếm thấy nhà ai như vợ chồng cô, hai bà sui mà giống bạn bè.
Mỗi khi cô bế con về thăm, má thường kể: “Hồi đó, nghe chị Hai con khóc lóc kể tội chồng, má cũng qua gặp bà sui để bàn chuyện hàn gắn cho hai đứa, nhưng mà... Con thật may mắn có được mẹ chồng thương dâu thương cháu”.
Nguyên Hương
theo khampha.vn