Trong cuốn sách "On the Brink" (tạm dịch: "Trên bờ vực"), cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson thừa nhận, trong giai đoạn khủng hoảng tài chính năm 2008, ông stress đến mức bị nôn khan. Đôi lúc việc này xảy ra trước mặt các nghị sĩ và nhân viên. Dĩ nhiên, trường hợp của ông không phải là cá biệt. Nôn khan không chỉ là dấu hiệu của căng thẳng quá mức mà còn là biểu hiện của sự lo lắng.
Căng thẳng và lo âu cũng có thể là nguyên nhân của hiện tượng nôn mửa và hội chứng nôn ói theo chu kỳ. Khi bị hội chứng nôn ói theo chu kỳ, bệnh nhân sẽ thấy buồn nôn và ói mửa trong một thời gian dài. Những hiện tượng này thường xảy ra vào cùng một thời điểm trong ngày. Lúc đó, bạn nên uống nhiều nước (do nôn mửa gây ra tình trạng thiếu nước và chất điện giải), nghỉ ngơi và tìm cách để bình tĩnh lại.
2. Rụng tóc
Có nhiều nguyên nhân của việc rụng tóc, từ lý do di truyền cho tới việc dùng thuốc. Stress là một trong số đó. Căng thẳng gây ra tình trạng rụng tóc mảng - một bệnh tự miễn mà bạch cầu tấn công các nang tóc, khiến tóc rụng. Ngoài ra, stress còn là nguyên nhân gây ra chứng rụng tóc telogen effluvium. Chứng bệnh này rất nghiêm trọng vì nó gây rụng tới 70% số tóc. Nó thường xảy ra vài tháng sau những biến cố lớn trong cuộc đời.
3. Chảy máu cam
Nhiều nghiên cứu cho thấy trong một số trường hợp, đối tượng nghiên cứu bị chảy máu cam sau khi lâm vào tình huống căng thẳng. Theo một bài báo trên Tạp chí Y học Anh, điều này có thể do stress ảnh hưởng đến huyết áp. Bạn nên kiểm tra huyết áp hằng ngày và giữ huyết áp bình ổn, đồng thời tránh khỏi những rắc rối để giảm stress.
Chảy máu cam là dấu hiệu của stress. (Ảnh minh họa: IE)
4. Mất trí nhớ
Nếu bạn dường như không thể nhớ những chi tiết vừa được thảo luận trong một cuộc họp căng thẳng, đó có thể là dấu hiệu cho thấy vùng não kiểm soát trí nhớ của bạn có vấn đề, TS Jeffrey Rossman thuộc Trung tâm Canyon Ranch ở Lenox, Massachusetts (Mỹ) cho biết.
Căng thẳng mạn tính có thể khiến Hồi Hải mã - vùng não kiếm soát bộ nhớ ngắn hạn của bạn bị một lượng lớn hormone stress cortisol tác động. Điều này có thể ức chế khả năng ghi nhớ của não bộ. Giải quyết tận gốc nguyên nhân khiến bạn căng thẳng là cách tốt nhất để có trí nhớ minh mẫn, trong lúc đó, bạn nên viết những thông tin quan trọng vào giấy.
5. Hệ miễn dịch suy yếu
Đây có lẽ là hậu quả đáng lưu ý nhất mà stress gây ra cho bạn. Điều này là do stress kích hoạt giải phóng catecholemine - hormon điều hòa hệ miễn dịch. Giải phóng hormon này trong một thời gian dài ngược tác động đến khả năng miễn dịch của cơ thể.
Hệ miễn dịch suy yếu là dấu hiệu của stress. (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, căng thẳng còn ảnh hưởng đến tuyến ức - tuyến sản xuất bạch cầu giúp chống nhiễm trùng và gây tổn hại telomere - gen đóng vai trò trong quá trình sản xuất các tế bào miễn dịch. Một cách tốt để đối phó với stress và tăng cường hệ miễn dịch là tập thể dục.
6. Đổ rất nhiều mồ hôi
Một số người bị chứng tăng tiết mồ hôi, đặc biệt đổ nhiều mồ hôi ở lòng bàn tay và bàn chân khi bị stress. Yoga và thiền có thể làm giảm chứng đổ mồ hôi liên quan đến căng thẳng. Nếu nghi ngờ mình bị chứng bệnh này, bạn nên đến gặp một chuyên gia để điều trị. Một nghiên cứu được đăng trên Tạp chí PLoS One cho biết, đổ mồ hôi do căng thẳng có thể phát đi những tín hiệu, khiến những người xung quanh cũng bị stress.