Ảnh minh họa: Internet
Phát hiện này chỉ rõ rằng, ngay cả đối với những phụ nữ chỉ tập thể dục trong thời gian ngắn, cũng giới hạn cơ thể sản xuất ra một loại hormone gây cản trở sự phát triển xương, trong khi lại giúp cơ thể sản xuất một loại hormone khác thúc đẩy quá trình hình thành xương.
"Rèn luyện thể chất tốt cho sức khỏe của xương nhờ vào việc làm giảm mức sclerostin - một loại hormone ức chế hình thành xương, đồng thời giúp tăng cường mức IGF-1 - một loại hormone tác động tích cực đến sức khỏe của xương", Ardawi Mohammed-Salleh, người chủ trì cuộc nghiên cứu, giảng viên y khoa tại Trường ĐH King Abdulaziz ở Saudi Arabia, cho biết.
Các nhà nghiên cứu giải thích rằng sclerostin, một loại hormone, hoạt động bằng cách di chuyển đến bề mặt xương và cản trở việc tạo ra các tế bào xương. Trong khi IGF-1 là viết tắt của cụm từ “yếu tố tăng trưởng giống insulin-1” - một loại hormone thúc đẩy quá trình tăng trưởng của cơ thể.
Trong cuộc nghiên cứu, các nhà khoa học đã theo dõi 120 phụ nữ tiền mãn kinh, trong khoảng thời gian tám tuần. Khoảng một nửa số phụ nữ này được được giám sát thói quen rèn luyện thể chất hằng ngày, trong khi nửa còn lại không rèn luyện thể chất.
Kết quả cho thấy, số phụ nữ đã tham gia rèn luyện thể chất hơn hai giờ mỗi tuần đã giảm đáng kể mức sclerostin và gia tăng mức IGF-1 trong cơ thể hơn hẳn so với nhóm phụ nữ không rèn luyện thể chất.
"Rèn luyện thể chất là phương pháp tăng cường sức khỏe đơn giản, không tốn kém, mà nhờ đó có thể giúp các phụ nữ tiền mãn kinh đạt được mục đích thực tế trong việc giảm nguy cơ bị sụt giảm khối lượng xương, dẫn đến chứng loãng xương và gãy xương" - Ardawi nói - "Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng, ngay cả chỉ với vài thay đổi nhỏ trong các hoạt động thể chất hằng ngày cũng có liên quan với độ chắc khỏe của xương ở phụ nữ”.
Nghiên cứu này sẽ được công bố vào số ra tháng 10/2012 trên tạp chí Clinical Endocrinology and Metabolism (Anh).
Nguyễn Niệm (Theo Goodhealth)