Ảnh minh họa:Internet
Theo đánh giá của các nhà khoa học, khoảng 1/3 số người bị bệnh suyễn nặng được gọi là bệnh suyễn eosinophilic, trong đó các tế bào viêm được gọi là bạch cầu ái toan gây viêm sưng đường hô hấp phổi. Trong trường hợp này, việc điều trị bằng corticoid dạng hít là không hiệu quả, vì vậy những bệnh nhân này cần phải điều trị bằng cách uống steroid, vốn gây ra nhiều tác dụng phụ.
Thuốc mepolizumab có tác dụng ngăn cản cơ thể sản xuất ra bạch cầu ái toan, đồng thời giúp giảm tần số xuất hiện các cơn suyễn nghiêm trọng, nhờ vậy có thể giúp giảm nhu cầu dùng steroid, các nhà nghiên cứu cho biết.
Theo giải thích của các chuyên gia, loại thuốc mới này là một kháng thể đơn dòng, một nhóm thuốc liên quan đến các loại kháng thể tự nhiên của con người, được biến đổi gien trong phòng thí nghiệm, nhân bản với số lượng lớn và được đưa vào cơ thể bệnh nhân để ngăn chặn quá trình phát triển bệnh.
Mục đích của thử nghiệm này là để tìm ra liều lượng thích hợp của thuốc mepolizumab và cũng để xác định loại bệnh nhân suyễn nào có thể hưởng lợi từ loại thuốc này, Pavord cho biết.
"Đây là một nghiên cứu thành công, vì chúng tôi đã xác minh được loại thuốc này mang lại hiệu quả ngay cả với liều thấp và bệnh nhân có thể được xác định nhanh chóng thông qua một cuộc xét nghiệm máu", Pavord nói.
Trong cuộc thử nghiệm, nhóm nghiên cứu của Pavord chỉ định ngẫu nhiên hơn 600 bệnh nhân bị bệnh suyễn nghiêm trọng, được cung cấp một trong ba liều mepolizumab hoặc giả dược. Thuốc được sử dụng bằng cách tiêm tĩnh mạch người bệnh mỗi tháng một lần. Những người tham gia nghiên cứu bao gồm các bệnh nhân suyễn từ 81 trung tâm y tế tại 13 quốc gia, độ tuổi của họ dao động từ 12-74 tuổi.
Sau một năm theo dõi, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng, những bệnh nhân dùng mepolizumab giảm một nửa các cơn suyễn nghiêm trọng cần cấp cứu hoặc nhập viện so với nhóm bệnh nhân dùng giả dược. Số bệnh nhân dùng mepolizumab cũng giảm một nửa các cơn suyễn cần đến việc sử dụng steroid.
Các nhà khoa học cho biết, nếu thử nghiệm này thành công, những bệnh nhân suyễn nghiêm trọng sẽ được quyền lựa chọn một phương pháp điều trị khác và có thể giúp kiểm soát hiệu quả tình trạng bệnh của họ mà không bị các tác dụng phụ gây ra từ việc sử dụng steroid.
Do loại thuốc này vẫn cần thử nghiệm qua 3 giai đoạn. Vì thế, thuốc mepolizumab nếu được Cơ quan quản lý dược và thực phẩm Mỹ chấp thuận sử dụng cho bệnh nhân suyễn, cần phải chờ ít nhất từ 3-4 năm nữa, Pavord cho biết.
GlaxoSmithKline, nhà sản xuất của mepolizumab, là đơn vị tài trợ cho cuộc thử nghiệm. Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên phiên bản trực tuyến của tạp chí The Lancet (Mỹ), ngày 16/8/2012.
Nguyễn Niệm (Theo Goodhealth)