"Đi làm thuê để lấy mối, kiếm việc cho anh em làm", anh cười buồn mỗi khi có ai hỏi lý do. Công ty của anh Lực thành lập gần 3 năm, chuyên về tư vấn kiến trúc và thi công công trình. Hồi công ty mới hoạt động cũng là lúc thị trường xây dựng sôi động nhờ gói kích cầu của Chính phủ, nên hợp đồng nhiều làm không xuể. Doanh số hàng tháng đủ để trả lương cho hơn 20 kỹ sư, kiến trúc sư và tích lũy.
Nhưng một năm gần đây, các đơn hàng thưa dần. Từ chỗ nhận làm các dự án quy mô hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng, công ty của anh chỉ nhận được những đơn hàng vài tỷ. Đã vậy tiền hoa hồng lại tăng, từ mức 10-15% đã lên tới 30% giá trị hợp đồng.
|
Nhiều doanh nghiệp xây dựng, bất động sản đang điêu đứng vì khó đầu ra. Ảnh minh họa: AaronSantos |
Đầu năm nay, anh đành nhận lời mời làm trưởng phòng xây dựng cơ bản của một công ty nhà nước với hy vọng mở rộng quan hệ, thêm cơ hội mang hợp đồng về công ty riêng. Nhưng suốt 3 tháng qua, anh cũng chỉ ký được vài ba hợp đồng nhỏ, chủ yếu là sửa chữa văn phòng. Đã thế, chủ đầu tư còn chậm thanh toán. Thành ra nhiều khi anh lại phải lấy tiền lương đi làm thuê của chính mình để tạm ứng cho nhân viên trong lúc chờ tiền từ đối tác.
Trường hợp của anh Lực chỉ là một ví dụ nhỏ về những doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa đang điêu đứng trong cơn bĩ cực của nền kinh tế. Những câu chuyện như chủ doanh nghiệp phải phát mãi tài sản, đi làm xe ôm hay một vị giám đốc sẵn sàng rao bán sức lao động trong vòng 10 năm để mong lấy được 3 tỷ đồng trả nợ… không còn là chuyện lạ trong giai đoạn hiện nay.
Kết quả khảo sát gần đây của các cơ quan chức năng cũng phát đi tín hiệu báo động về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp. Bộ Kế hoạch & Đầu tư xác nhận có đến 28,4% số đơn vị đang có đăng ký kinh doanh đã giải thể (81.900), đăng ký ngừng hoạt động (16.000) hoặc “bốc hơi” mà cơ quan chức năng không hề hay biết (khoảng 85.800 doanh nghiệp).
Trong khi đó, theo khảo sát của Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) 8,4% trong số thành viên của tổ chức này đã giải thể hoặc ngừng hoạt động trong năm 2011. Những tháng đầu 2012, chiếm phần lớn trong số này là các doanh nghiệp dân doanh.
Một thống kê khác của cơ quan thuế cho thấy tổng thu nội địa quý I/2012 chỉ đạt gần 141.000 tỷ đồng, chỉ tương đương 97% cùng kỳ. Trong đó, thuế giá trị gia tăng (VAT) nộp về chỉ tăng 6% (thấp nhất trong vòng nhiều năm) còn thuế thu nhập doanh nghiệp lại giảm khoảng 4%. Số liệu cập nhật đến tháng 2 cũng cho thấy tình trạng nợ thuế của các doanh nghiệp tăng 28,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Những thống kê nêu trên cho thấy cơ quan quản lý, trên thực tế, đã có những nỗ lực đáng kể trong việc “bắt mạch” những khó khăn của doanh nghiệp. Kết quả của những khảo sát này đã được cụ thể bằng gói giải pháp trị giá 29.000 tỷ đồng vừa được Chính phủ công bố, trong đó tập trung vào các giải pháp giãn - giảm thuế, tiền thuê đất, lùi thời hạn nộp tiền sử dụng đất…
Tuy vậy, nhìn lại những kết quả khảo sát nêu trên, điều dễ cảm nhận là các con số thống kê mới chỉ hoàn thành nhiệm vụ chỉ rõ “người bệnh đang sốt cao”. Trong khi đó, căn nguyên của cơn bạo bệnh, hay chính xác hơn là việc doanh nghiệp đang khó ở đâu, vẫn là điều khiến dư luận thắc mắc. “Đơn thuốc” 29.000 tỷ đồng do vậy, vẫn bị nghi ngờ là khó đánh trúng mục tiêu bởi với những trường hợp doanh nghiệp nêu trên, việc giảm thuế, phí mang lại rất ít tác động.
Một khảo sát trên diện hẹp (60 doanh nghiệp tại Đà Nẵng và TP HCM) do Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia tiến hành trong tháng 4 cho thấy thuế - vấn đề mà gói giải pháp tập trung tháo gỡ - dường như không phải cái khó lớn nhất và chắc chắn không phải cái khó duy nhất của doanh nghiệp.
Bên cạnh các yếu tố đầu vào tăng cao, tiếp cận vốn và tiêu thụ sản phẩm mới là vấn đề được doanh nghiệp nhắc đến nhiều nhất: Chỉ số tồn kho tháng 4 tăng 32,1%, phá kỷ lục 26,2% của tháng 2 năm ngoái (trong đó kim loại đúc sẵn tăng trên 100%, xi măng, vôi vữa tăng 44%). Cùng với đó, 63% trong số các doanh nghiệp được hỏi cho biết hầu như không tiếp cận được tín dụng và hơn 72% trong số này cho biết đang bị đối tác chiếm dụng vốn.
|
Nhiều ý kiến cho rằng chính sách tiền tệ cần thông thoáng hơn để cứu doanh nghiệp. Ảnh: Hoàng Hà |
Chính kết quả này đã là cơ sở để Tiến sĩ Hà Huy Tuấn - Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia - cho rằng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hiện nay, bên cạnh các giải pháp đã được công bố, cần tiếp tục cải thiện khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp. “Ngân hàng cần cởi mở, tin tưởng hơn vào doanh nghiệp”, ông Tuấn nhận định .
Chia sẻ quan điểm với Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát, trao đổi với VnExpress.netgần đây, một chuyên gia của Bộ Tài chính cũng thừa, cá nhân ông cho rằng trong giai đoạn hiện nay, các giải pháp về tiền tệ, tín dụng ngân hàng sẽ có tác động mạnh, trực tiếp hơn các giải pháp về tài chính. Riêng về giải quyết tồn kho cho doanh nghiệp, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng nên đề xuất Quốc hội cho phép giảm thuế VAT, thay vì chỉ giãn 6 tháng như hiện nay, để doanh nghiệp có điều kiện giảm giá, tiêu thụ sản phẩm.
Tuy vậy, khi tiến hành khảo sát, một chi tiết cũng được các cơ quan chức năng lưu ý là nhiều doanh nghiệp, địa phương, hiện có biểu hiện “giấu bệnh” hoặc bản thân không biết “mình bệnh ở đâu”. “Chúng tôi đặt 2 câu hỏi với địa phương là nhóm doanh nghiệp nào gặp khó, khó như thế nào. Với doanh nghiệp thì thêm một câu là khó khăn đó ảnh hưởng như thế nào đến giá thành, giá bán… thì đều không nhận được số liệu cụ thể hay câu trả lời thỏa đáng”, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính chia sẻ.
Theo ông Hà Huy Tuấn thì mặc dù tôn trọng việc giữ bí mật kinh doanh của doanh nghiệp nhưng việc không biết chính xác doanh nghiệp đang khó ở đâu, khó ở mức độ nào sẽ khiến cho việc “bắt bệnh” khó chính xác. Các giải pháp đưa ra, do đó cũng khó trúng mục tiêu, gây tổn hại, tốn kém cho nền kinh tế trong khi doanh nghiệp “đáng cứu” lại không được cứu.
Nhật Minh - Song Linh