Dồn dập mở mới
Cuối tháng 4, Công ty cổ phần Thương mại Nguyễn Kim đồng loạt khai trương 6 trung tâm mua sắm. Trước đó, đầu tháng 1 công ty này khai trương thêm tới 5 điểm bán trong cùng một ngày. Phía Nguyễn Kim công bố, với vốn đầu tư mỗi trung tâm từ 30-50 tỷ đồng, các trung tâm này sẽ trở thành điểm đến mua sắm qui mô nhất về hàng điện tử - điện máy, các mặt hàng gia dụng… cho người dân địa phương và các vùng lân cận.
Tương tự, Dienmay.com hồi đầu tháng 4/2012 đã khai trương siêu thị tại Buôn Mê Thuột, nâng tổng số siêu thị lên hai con số. Dự kiến đến tháng 6/2012, sau khi khai trương thêm 2 siêu thị tại quận Gò Vấp (TP.HCM) và Bình Dương, Dienmay.com sẽ có tổng số 12 siêu thị trên toàn quốc. Cùng với thegioididong.com, hệ thống bán lẻ của đơn vị này đạt con số 210 điểm bán hàng trên toàn quốc. Trong ngành bán lẻ thời trang, Ninomaxx đột ngột bán hàng siêu giảm giá đến 80%, giải phóng hết mặt bằng, đóng cửa một vài cửa hàng rồi công khai một kế hoạch làm mới toàn diện. Ông Thomas J.Ngo, Giám đốc điều hành Công ty Thời trang Việt (chủ nhãn hàng Ninomaxx) cho biết, trong vòng 2-5 tháng nữa Thời trang Việt sẽ trình làng một bộ mặt mới. Song song đó, sẽ có từ 10-15 trung tâm mua sắm lớn (Ninomaxx Concept) rộng từ 1.000 m2 trở lên, mang lại tiện ích tối đa cho khách.
Trong lĩnh vực bán lẻ, sự kiện VinatexMart khai trương dồn dập 7 điểm bán (gồm cả siêu thị, cửa hàng) trong tháng 4 và tháng 5, đồng thời dự kiến mở thêm 35 điểm bán trong năm 2012 khiến không ít doanh nghiệp trong ngành ngạc nhiên. Lâu nay, mặc dù có hệ thống phân phối rộng khắp với mấy chục điểm bán, mặt bằng kinh doanh ở những vị trí đẹp, nhưng VinatexMart hoạt động không mấy hiệu quả so với các hệ thống bán lẻ khác. Đó là chưa kể đến một số hệ thống bán lẻ lớn như: Saigon Co.op, BigC, Metro… vẫn đang triển khai các kế hoạch mở rộng theo mục tiêu đề ra. Riêng với Saigon Co.op, trong năm nay dự kiến sẽ mở thêm 30 cửa hàng Co.opFood, 8 siêu thị Co.opMart. Saigon Co.op cũng không giấu tham vọng đến năm 2015 sẽ mở 150 cửa hàng thực phẩm tiện lợi, Satra thì đặt kế hoạch mở 10 cửa hàng Satrafoods trong năm nay và mở thêm 20 cửa hàng trong năm 2013.
Cơ hội trong khó khăn
Ông Trần Thanh Nhàn, Phó Tổng giám đốc VinatexMart cho biết, VinatexMart muốn tranh thủ cơ hội trong khó khăn. Theo ông Nhàn, hiện giá thuê mặt bằng đã giảm trên 1/3 so với trước đây, chính sách thu hút đầu tư của các địa phương tốt hơn. Quan trọng nhất, Vinatex đang có sự thay đổi lớn, từng bước khắc phục những hạn chế của mình trong quản trị, phân phối và chuẩn bị ra mắt hệ thống nhận diện mới… Ngoài ra, đơn vị này đang hợp tác với một số doanh nghiệp dệt may để mở siêu thị, cửa hàng phục vụ nhu cầu mua sắm ở chỗ của công nhân lao động tại các doanh nghiệp và cụm dân cư, bước đầu mang lại hiệu quả khá. Riêng với ngành điện máy, khá nhiều ý kiến cho rằng, hiện tại không phải là thời điểm thuận lợi để đầu tư mở rộng mà phải thật cẩn trọng để duy trì sự phát triển ổn định. Thị trường điện máy đang chứng kiến sự chật vật của nhiều siêu thị điện tử, điện máy, nhiều nơi nhân viên bán hàng đông hơn khách hàng. Tuy nhiên, theo ông Đinh Anh Huân, Tổng giám đốc của Hệ thống bán lẻ dienmay.com thì thời điểm này lại có nhiều mặt bằng đẹp và giá thuê giảm nhiều so với trước đây. Nếu biết tính toán hợp lý, đây là cơ hội để đầu tư mở rộng hệ thống.
Tuy vậy, một tổng giám đốc của một chuỗi siêu thị điện máy khác thì cho rằng, ngành điện máy đang đứng trước nhiều rủi ro lớn. Đa số nhà bán lẻ điện máy là "mượn đầu heo nấu cháo", nghĩa là được nợ tiền hàng từ nhà cung cấp trong vòng 3-4 tuần hoặc lâu hơn, dùng tiền đó để mở điểm bán mới, khi đến hạn thanh toán thì vay ngân hàng từ tài sản thế chấp và hàng tồn kho để trả nợ cho nhà cung cấp. Bình thường vòng quay này diễn ra suôn sẻ, nhưng khi thị trường ế ẩm, hàng không bán được thì nợ chồng nợ, đến khi không thể xoay được nữa sẽ vỡ nợ.
Theo ông Bùi Chí Cường, Giám đốc tiếp thị chuỗi Trung tâm Điện máy và Nội thất Thiên Hòa, bên cạnh khó khăn mang tính đặc thù là vốn nặng, sản phẩm mới ra liên tục, sản phẩm cũ rớt giá nhanh, sức mua giảm trong điều kiện các chi phí mặt bằng, nhân viên, điện nước... không hề giảm là khó khăn lớn đối với các doanh nghiệp.
Bài toán hiệu quả
Hiện giá thuê mặt bằng đã giảm trên 1/3 so với trước đây, chính sách thu hút đầu tư của các địa phương cũng tốt hơn |
Mặc dù biết rằng, mở chuỗi bán lẻ sẽ có nhiều lợi thế kinh doanh, nhưng các ông chủ của các hệ thống bán lẻ hiện nay vẫn rất đau đầu với bài toán hiệu quả. Làm một con toán đơn giản, ông Đinh Anh Huân nói rằng, mở thêm một mặt bằng bán lẻ điện máy diện tích 3.000m
2 thì tiền thuê đất xây là 30 tỷ; vốn sản phẩm khoảng 20 tỷ. Nếu bán được khoảng 20 tỷ đồng/tháng thì mới có hy vọng thành công.
Ông Huân nhìn nhận, đến giờ phút này chỉ các nhà bán lẻ điện máy lớn, có thương hiệu mới có khả năng tồn tại và chia "miếng bánh" thị trường. Tùy vào sự khéo léo của nhà đầu tư thì mới đảm bảo có lãi. Nhưng trả lời câu hỏi, trung tâm điện máy chịu đựng lỗ đến giới hạn nào thì sẽ… đóng cửa, ông Huân cho biết, chưa nghĩ đến con số này. Trước mắt các nhà đầu tư đang nhắm đến mặt bằng bán lẻ chừng 1.000 -1.400 m2 ở các vùng ven (bởi ở trung tâm đã được phủ kín), giá thuê rẻ, nhu cầu thị trường vẫn còn và có thể hợp lý hóa đầu tư.
Còn theo các chủ doanh nghiệp bán lẻ tổng hợp, tổng đầu tư cho một cửa hàng thực phẩm tiện lợi trung bình là 2 tỉ đồng (diện tích từ 100-400 m2), bao gồm cả chi phí mặt bằng, sửa chữa, hàng hóa, quầy kệ, bảo hiểm, trả lương nhân viên… Nếu một cửa hàng hoạt động tốt, doanh thu mỗi ngày có thể lên đến 40-50 triệu đồng và trong vòng một năm có thể hoàn vốn. Đó là khi doanh nghiệp có sẵn vốn để không phải nghĩ đến chuyện trả lãi ngân hàng. Còn trước mắt, các mặt bằng đẹp ở các quận xa trung tâm, có dân cư đông vẫn được các doanh nghiệp bán lẻ nhắm đến.
Dẫu được coi là mạo hiểm khi mở rộng mạng lưới bán lẻ trong giai đoạn thị trường khó khăn, nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn kỳ vọng thị trường sẽ hồi phục lại trong quý III/2012.
Theo công ty nghiên cứu thị trường GFK Việt Nam, doanh số toàn thị trường điện máy Việt Nam tháng 3/2012 đứng ở mức thấp nhất trong 15 tháng gần đây, ước đạt hơn 6.817 tỷ đồng, giảm 35,7% so với thời điểm tháng 1/2012. Trong đó, sụt giảm mạnh nhất là ngành hàng điện tử với doanh thu toàn thị trường chỉ đạt hơn 869 tỷ đồng trong tháng 3 (tháng 1 là hơn 2.000 tỷ đồng).
Theo Bộ Công Thương, nhiều doanh nghiệp bán lẻ điện máy đã nỗ lực mở mạng lưới bán hàng ở các tỉnh với hy vọng tăng doanh số, nhưng trong tháng 4 sức mua chung của nhóm hàng điện máy tại các tỉnh vẫn giảm khoảng 10 - 20% so với tháng 3.
|
Theo DĐDN